Giang hồ Sài Gòn chờ tắm máu...
Nếu ngày ấy, cuộc huyết chiến ở Cầu Muối diễn ra, chưa chắc Đại Ca Thay đã có thể trở thành ông trùm của giới giang hồ Sài Gòn trước năm 1975, bởi rất có thể đã vong mạng trong tay Minh Cầu Muối - bạn thân của Chà Và Hương. Mà Chà Và Hương, với Đại Ca Thay tình còn thân hơn thủ túc.
Ngày ấy, chợ Cầu Muối là miền đất dữ, ngay cả với những giang hồ cộm cán nhất của đất Sài thành trước 1975. Ngày ấy, Đại Ca Thay có thể một mình một dao tới khu Chợ Lớn của Tín Mã Nàm làm loạn, nhưng với khu Cầu Muối của Minh Cầu Muối, ngay cả Đại Ca Thay cũng khó lòng "nuốt gọn" nổi, dù khi ấy Đại Ca Thay đã ngấp nghé là trùm giang hồ Sài Gòn.
Bảy giờ 17 phút sáng ngày 2 tháng Năm năm 1965, Chà Và Hương nhận được tin từ một cậu nhóc "cắc ké" nhắn rằng Minh Cầu Muối cần gặp ông ở quán cà phê - cũng là sòng bài của Năm Thông Lợi trên đường Nguyễn Công Trứ vì "một chút vấn đề với Đại Ca Thay".
Chợ Cầu Muối thập niên 1960.
Giật mình, Chà Và Hương sấp ngửa chạy ra. Song khi vừa đến nơi Minh Cầu Muối hẹn, thì đã nghe tiếng gọi từ bên kia đường, từ trong tiệm hủ tiếu của Đại Ca Thay: "Chà Và, lên đây". "Chờ tao qua thằng Minh đã", Chà Và Hương đáp lời.
"Không, lên đây. Tao nói mày chuyện này rồi mày lại thằng Minh", giọng Đại Ca Thay riết róng.
"Tao chờ 15 phút nữa, rồi tao dẹp thằng Minh Cầu Muối này", Đại Ca Thay mở lời. Liếc qua cạnh Đại Ca Thay, nhìn thấy Sáu Nhỏ, Chà Và Hương từ tốn: "Chuyện này để chút nữa tao nói với mày sau", rồi bươn bả đi qua chỗ Minh Cầu Muối.
"Mười lăm phút nữa, tao sẽ thanh toán thằng Đại", đến lượt Minh Cầu Muối thông báo ngắn gọn cho Chà Và Hương.
Trong sòng bài của Năm Thông Lợi, toàn bộ những sát thủ lợi hại nhất của Minh Cầu Muối đã sẵn sàng. Dưới đất, hai bao tải mã tấu đã sẵn sàng chờ giờ lấy máu. Trong tiệm hủ tiếu bên kia đường, Đại Ca Thay, Sáu Nhỏ cùng những chiến tướng từng vào sinh ra tử không ít lần cùng Đại Ca Thay cũng đã sẵn sàng tắm máu đối phương.
"Mày để đó, hôm nay tao bằm xác nó luôn", sau câu nói của Minh Cầu Muối, Chà Và Hương đứng lên, bươn bả chạy đi, để mặc Minh Cầu Muối lẫn Đại Ca Thay ở lại.
Cuộc chiến ấy, theo nhận định của Chà Và Hương, Đại Ca Thay khó lòng chiến thắng, thậm chí thân bại danh liệt, thậm chí bỏ mạng bởi băng của Minh Cầu Muối không những quá đông, mà còn rất khỏe và cực kỳ thiện chiến.
...bởi mưu sâu kế hiểm của mỹ nhân
Ngồi cạnh Đại Ca Thay ngày hôm ấy là Sáu Nhỏ - chính là huyền thoại trong câu nói mà giới võ thuật Sài Gòn trước năm 1975 vẫn truyền tai nhau "cặp giò Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và". Nhìn thấy Sáu Nhỏ, là Chà Và Hương hiểu ngay ra chuyện.
Trùm du đãng Sài Gòn và đại ca Cầu Muối quyết một phen sống mái hôm ấy, cũng từ Sáu Nhỏ mà ra. Đúng hơn là từ cô vợ xinh đẹp, nhưng lòng dạ "độc hơn nọc rắn" của Sáu Nhỏ.
Sinh - tên vợ Sáu Nhỏ, vốn yêu Minh Cầu Muối mê mệt, song oan trái thay, cô lại là cháu họ của người mà mình cuồng si, gọi Minh Cầu Muối bằng cậu. Bất chấp luân thường, Sinh quyết liệt bày tỏ tình cảm của mình.
Dĩ nhiên là Minh Cầu Muối phản ứng quyết liệt. Có mặt Chà Và Hương, giang hồ cộm cán này đáp lời thẳng: "Mày kêu tao bằng cậu, tao kêu má mày bằng chị, không thể lấy mày được".
Hận tình, Sinh quay sang quyến rũ Sáu Nhỏ. Với sắc đẹp trời phú của mình, cô lập tức khiến Sáu Nhỏ mê mệt. Chọn Sáu Nhỏ, là bởi Sinh biết không ai có thể giết được Minh Cầu Muối, trừ Sáu Nhỏ.
Cuộc huyết chiến ngày ấy giữa Đại Ca Thay và Minh Cầu Muối, cũng bởi từ toan tính ấy của mỹ nhân mà ra. Mất không ít công sức và thời gian, người đẹo này mới dùng chồng mình khích cho Đại Ca Thay quyết sống mái với Minh Cầu Muối. May mà nhìn thấy Sáu Nhỏ, Chà Và Hương hiểu ngay ra chuyện.
Quay lại với cảnh Chà Và Hương bươn bả chạy đi. Ông chạy thẳng lên gặp trung tá Hiền - quận trưởng quận 5 của chế độ cũ. Có điều lạ là ngay cả tướng Nguyễn Cao Kỳ hay tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đại Ca Thay đều không coi ra gì, song trùm du đãng này lại cực kỳ nể trung tá Hiền.
Nghe lời cầu cứu của Chà Và Hương, trung tá Hiền lập tức lên xe Jeep, trực chỉ Nguyễn Công Trứ. Lần lượt ngoắc Đại Ca Thay, rồi sau đó là Minh Cầu Muối lên xe. Trên xe, Chà Và Hương mở lời luôn với Đại Ca Thay: "Bồ không biết, bồ bênh thằng Sáu Nhỏ là bậy rồi". Tiếp đấy là câu chuyện đủ đầu đuôi về lòng dạ mỹ nhân đưa "anh hùng" vào chốn đao thương đổ máu.
Dĩ nhiên là cả Đại Ca Thay lẫn Minh Cầu Muối đều nghe ra, sau khi Chà Và Hương nói chuyện rành rọt, và bắt tay làm huề nhau trước mặt trung tá Hiền. Ân tình ấy, cả Đại Ca Thay lẫn Minh Cầu Muối đều mang ơn Chà Và Hương
Ăn khế trả vàng, ân đền oán trả
Nếu như trại tế bần là nơi đầu tiên chứng kiến tình anh em của Chà Và Hương và Đại Ca Thay, chợ Cầu Muối là nơi chứng kiến Chà Và Hương cứu Đại Ca Thay ra khỏi cuộc huyết chiến với Minh Cầu Muối, thì khám Chí Hòa là nơi khởi đầu cho mối giao tình của "lãng khách" Chà Và Hương và một cái tên lẫy lừng khác của giang hồ Sài Gòn - Năm Cam.
"Bữa đó, ông Hoàng ổng mới đi vô, kêu Chà Và, có cái thơ ai gởi cho mày tao để trên bàn, mày vô mà coi. Ông đó là thơ ký của Chí Hòa. Tui mới lên, lật cái thơ ra, ở ngoài có mấy chữ à 'Ăn khế trả vàng, ân đền oán trả'. Tui mới xé bao thơ, lấy ra xem. 'Chị là chị thằng Cam, em xuống dưới ô á, xem thằng nào là thằng Cam. Em đem nó lên em lo giùm chị đi. Sau này em sẽ gặp chị. Chị em mình sẽ nói chuyện nhiều. Ký tên: Vợ Bảy Xi".
Mối thâm tình của Chà Và Hương và Năm Cam bắt đầu từ lá thư của chị gái ruột Năm Cam gửi vào khám Chí Hòa cho Chà Và Hương. Vốn đã biết Bảy Xi (anh rể Năm Cam) từ trước, Chà Và Hương mới xuống, hỏi: "Thằng nào là thằng Cam?". Năm Cam đáp: "Em nè". Ngày đó Năm Cam nhỏ xíu, cổ rụt, xấu tướng lắm - theo lời Chà Và Hương kể lại.
Năm Cam (thứ hai từ trái sang) cùng các giang hồ đất Bắc.
"Lãng khách" Chà Và Hương mới nói: "Mày em rể Bảy Xi đúng không?", Năm Cam đáp: "Phải". Chà Và Hương mới trở lên nói với Lâm Chín Ngón: "Mày xuống đem thằng Cam lên, nó là em Bảy Xi, chị Huệ là chị của nó. Thôi đem nó lên lo cho nó đi, chỉ viết thơ vô cho anh nè".
Từ đó, Năm Cam được lên sống với Chà Và Hương, Lâm Chín Ngón, Hoàng Áo đỏ ở "trại trên", không còn lo cảnh bị bắt nạt hàng ngày trong tù nữa.
Đấy là thời điểm tháng 12 năm 1962, không lâu sau khi Năm Cam phải "xộ khám" vì nhận tội giết người (dùng dao đâm chết Nguyễn Văn Lót) thay cho anh rể Bảy Xi. Thời điểm đó, Năm Cam mới chỉ là một cậu thiếu niên. Một năm sau, Chà Và Hương rời khám. Ông còn căn dặn đàn em là Lâm Chín Ngón phải đảm bảo an toàn và chăm sóc đặc biệt cho Năm Cam.
Nhờ gia đình có tiền "chạy" tốt, tháng Giêng năm 1965 - hơn 2 năm tính từ ngày vào khám, Năm Cam được trả tự do.
Hai mươi năm sau, họ gặp lại nhau, trong thân phận trái ngược với ngày nào trong khám Chí Hòa. Một tối nọ, Chà Và Hương đang chạy xe trên đường Tự Do lúc ấy vắng tanh, thì giật mình bởi tiếng còi xe hơi rú ngay sau lưng mình. Ông tưởng chiếc xe xin vượt, liền nhường đường ngoắc tay ra hiệu cho xe hơi đi lên. Nhưng chiếc xe không vượt mà tiếp tục bóp còi. Chà Và Hương bực bội ngoắc tay lần nữa, nhưng chỉ có tiếng còi xe đáp lại.
Ông quay lại toang cất tiếng chửi, thì Năm Cam thò đầu từ trong xe ra, kêu Chà Và Hương chạy thẳng ra mé sông. Ông kể lại: "Khi ấy cuối đường Tự Do là nhà hàng mé sông, thằng Cam nói là của nó. Nhìn lại chiếc xe, tui nhận ra đó là chiếc xe Jeep từng của đại tá Ngọc trong thành phần bài trừ du đãng ngày xưa. Bởi cả Sài Gòn chỉ có chiếc xe Jeep này là có hình con đại bàng với đôi chân nạm vàng. Ngần ấy năm, tôi không hiểu sao thằng Cam giàu có và thế lực đến vậy".
Biết Chà Và Hương chỉ quanh quẩn với nghề dạy võ, Năm Cam chủ động mời ông về với mình. Sau lời đề nghị ấy, Chà Và Hương về nhà cả đêm không ngủ, trăn trở với lựa chọn có nên theo Năm Cam để trở lại với cuộc sống giang hồ "mưu đồ nghiệp lớn" hay không.
Bản thân ông nhiều lần vào tù ra tội, nhưng vì bênh anh em, trốn lính, chứ chưa từng trộm cắp, ăn cướp, giết người hay bán ma túy. Ông quyết định không trả lời.
Ít lâu sau, Năm Cam cho đàn em xuống tận nhà ông dưới Củ Chi nhắc lại lời mời năm xưa. Nghe lời vợ khuyên đừng nên dính dáng tới giang hồ nữa, nhất là về với Năm Cam khi trùm giang hồ này đã "làm vua một cõi", Chà Và Hương trả lời: "Thôi anh dạy võ sống cũng được rồi, mà anh cũng từ giã giang hồ rồi".
Nhiều năm sau, khi vợ đã sang Mỹ theo diện con lai, Chà Và Hương rơi vào cảnh túng quẫn, bệnh tật, từ bệnh viện Trưng Vương về ông lại tình cờ gặp Năm Cam lần nữa. Năm Cam mời ông đi ăn, rồi hẹn đến nhà mình chơi. Lần này Chà Và Hương từ chối thẳng thừng, bảo luôn Năm Cam đừng kiếm mình nữa, cũng đừng nghĩ đến ân tình xưa làm gì, bởi bản thân mình từng giúp rất nhiều người, chứ không chỉ riêng Năm Cam.
Đấy là lần cuối cùng họ gặp nhau. Sau lời từ chối của Chà Và Hương, Năm Cam tặng ông 4 tờ "giấy bạc" mà ông chưa thấy bao giờ. Theo lời ông kể lại, nó trị giá 4 triệu đồng.
Không chỉ từ chối Năm Cam, Chà Và Hương còn khuyên Lâm Chín Ngón - người từng được ông giao trọng trách chăm lo Năm Cam trong khám Chí Hòa ngày nào, rằng đừng theo Năm Cam mà lại sa chân vào con đường giang hồ cũ.
Lâm Chín Ngón không nghe lời, thậm chí còn chủ động tìm đến Năm Cam để đòi "món nợ ân tình" ngày nào. Sau đó, Lâm Chín Ngón dựa vào ân tình ấy để hống hách với Năm Cam.
Năm 1998, Năm Cam sai Hải "bánh" triệt hạ Lâm Chín Ngón. Hải "bánh" nhờ Dung Hà trợ giúp, bà trùm giang hồ đất Cảng nhận tiền, cho đàn em tạt a xít, khiến Lâm Chín Ngón mù mắt.
Chà Và Hương vừa qua đời ở tuổi 80. Những tay giang hồ, du đãng, võ sĩ cùng thời với ông, hầu như tất cả đã ra đi trước ông rất lâu, từ những huyền thoại của võ thuật Sài Gòn trước năm 1075 như Moustaza, Kid Dempsey, Sáu Nhỏ... cho đến những tay giang hồ khét tiếng cùng thời như Lâm Cầu Muối, Đại Ca Thay, Lâm Chín Ngón...
Năm 2004, Năm Cam lĩnh án tử hình, đền tội cho những tội ác mà hắn gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.