Không ngần ngại cưu mang "người lạ" như con
Tại căn nhà nhỏ 3 tầng tại quận 3, bà Dung cầm cuốn album dày cộm, bắt đầu kể về những kỷ niệm từ chuyến đi thiện nguyện đến các thành viên trong nhà… Lật tới tấm ảnh của một cô gái nhỏ nhắn, bà Dung dừng lại chỉ: "Đây là Tuyết Anh, con bé ngoan lắm, đã học ra trường và hiện đang làm bác sĩ" - đó là cô sinh viên đầu tiên bà Dung nhận cưu mang.
Trong một lần phát học bổng ở Củ Chi năm 2014, bà Dung được nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của Tuyết Anh, khi ấy vừa thi đậu trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Đến tận nhà tìm hiểu, bà ngỏ lời với gia đình nhận nuôi cô gái ăn ở trong suốt những năm học đại học.
Bà Dung cho hay, khi ấy ba mẹ Tuyết Anh ngần ngại, lo ngại con mình về nhà người lạ lỡ có chuyện chẳng may. Bà Dung hiểu được nỗi lòng của gia đình, bèn tìm đến chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ. Được sự giới thiệu của Chủ tịch xã Phạm Văn Cội, ba mẹ Tuyết Anh mới an tâm gửi gắm con gái. Trước khi rời Củ Chi, bà Dung không quên động viên: "Gia đình cứ yên tâm, tôi lo cho cháu được, đừng để cháu nghỉ học", bà Dung kể.
Tuyết Anh kể lại, khi ấy mẹ ruột cô mắc bệnh tim, ba làm bảo vệ, vắt sữa bò thuê nuôi gia đình. Lúc Tuyết Anh đậu đại học, cả nhà vỡ òa nhưng nỗi lo về chi phí đè nặng. "Nếu lúc đó không có má Dung thì cuộc đời tôi có lẽ sẽ rẽ ngang và không được làm bác sĩ như hiện tại" - Tuyết Anh xúc động.
"Mọi thứ má làm đều xuất phát từ tình yêu thương và không nhận bất kỳ đồng nào. Sau này đi làm có tiền, tôi gửi trả hết tiền mượn khám bệnh cho má ruột. Tuy là trả hết tiền nhưng mà ân tình thì vẫn còn đó, không trả hết được. Má không giàu nhưng chỉ cần ai khó khăn là má luôn san sẻ, giúp đỡ hết lòng", Tuyết Anh kể.
Năm 2020, Tuyết Anh ra trường và sau đó trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Thời gian sau, cô chuyển về Bệnh viện Củ Chi công tác để tiện chăm sóc ba mẹ ruột. Song mỗi dịp tết, những lần họp mặt gia đình, cô lại về đoàn tụ với bà Dung.
Lòng tốt không có "biên giới"
Không chỉ một mình Tuyết Anh trưởng thành và thành tài nhờ tấm lòng của bà Dung, hiện nay bà còn lo ăn, ở và còn tạo điều kiện để nhiều bạn sinh viên phụ thêm ở quán cơm của mình những lúc rảnh. Mỗi buổi như vậy tầm 2-3 giờ, bà trả 150.000 đồng.
"Sau này, các con thành tài còn giúp ích cho xã hội. Tôi tạo cho tụi nhỏ chiếc cần câu, còn hơn tôi đưa cho nó con cá. May mắn thay, những sinh viên tôi nuôi đều ngoan và học giỏi", bà nói.
Bà Dung còn nhận nuôi thêm 2 sinh viên Lào từ chương trình chương trình "Sinh viên Lào với gia đình Việt" năm 2019. Sau 3 tháng tham gia trải nghiệm cuộc sống gia đình Việt, Khounphinit Sodalay (thường gọi là Jack) và Phrathepsouvanh Thipphakone (hay gọi là Axe) xin được ở lại nhà bà Dung trong những năm theo học tại Việt Nam.
Jack và Axe, hiện cũng đang theo học Y Đa khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Trong mùa dịch, Jack và Axe cùng bà Dung tham gia phát quà hỗ trợ bà con nghèo tại phường.
"Sống lâu ngày với cô Dung, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của cô dành cho mình. Cô không chỉ nuôi nấng mà còn dạy cách làm người. Thấy người nghèo phải giúp, cái gì xấu phải tránh, cái gì tốt mình nên làm", Jack nói.
Tại ngôi nhà này không có ranh giới giữa mọi người, chỉ có tình yêu giữa người mẹ già và các con. "Tiếng cười luôn hiện hữu ở đây. Nơi đây như gia đình thứ hai của tôi", Axe bày tỏ.
Lòng tốt và tình yêu thương của bà Dung đã lan rộng ra khắp xóm, khắp phường. Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5, quận 3 cho hay bà Dung là một thành viên rất nhiệt tình và là nòng cốt của Hội.
"Không chỉ tích cực tham gia công tác từ thiện tại địa phương mà bà Dung còn đi nhiều nơi khác. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, khi dịch COVID-19 lan rộng, bà đã hỗ trợ rất nhiều các hoàn cảnh khó khăn. Từ tháng 8.2021, bà Dung còn hỗ trợ địa phương chăm lo chỗ ăn, ở cho các bác sĩ quân y", bà Lan nói.
* Bài có sự biên tập ở title và sapo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.