Cứu sống cụ ông suy tim nặng, phải ngồi mới hít thở được

Bạch Dương Thứ tư, ngày 05/01/2022 12:41 PM (GMT+7)
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị suy tim nặng. Bệnh nhân là ông V.V.Q. (62 tuổi, Bình Thuận) trong tình trạng khó thở, nằm đầu cao, phải ngồi để thở.
Bình luận 0
Cứu sống cụ ông suy tim nặng, phải ngồi thở - Ảnh 1.

BS Hiếu thăm khám cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: BVCC

Ghi nhận bệnh sử cho thấy ông Q. bị hẹp hở van 2 lá, hở van 3 lá nặng, suy tim độ 4, rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, tăng áp động mạch phổi nặng. Do mắc bệnh đã lâu nên ông Q. ăn uống kém, thể trạng suy dinh dưỡng (cân nặng 43 kg), vận động khó khăn, di chuyển vài bước là đau ngực, thở dốc…

Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Q. men gan cao, suy tim nặng, bóng tim to, nhĩ trái khổng lồ, tăng áp lực động mạch phổi nặng, chức năng co bóp cơ tim giảm.

Người nhà cho biết, ông Q. bị hở van tim từ năm 2003. Đến năm 2012, tình trạng bệnh trở nặng, ông Q. thường xuyên khó thở. Đến năm 2017, ông Q. bị suy tim rất nặng, mức độ 3. Đầu năm 2021, ông Q. rơi vào tình trạng bất ổn, vài ngày phải vào bệnh viện địa phương một lần. Do liên tục khó thở đến mất ngủ, ông Q. vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn điều trị.

Xác định đây là một trường hợp suy tim cấp nặng trên nền suy tim lâu năm, có bệnh van tim, các bác sĩ Khoa Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã nhanh chóng hội chẩn lên kế hoạch điều trị. Theo đánh giá hội chẩn ban đầu, các bác sĩ nhận định tình trạng suy tim của người bệnh ở giai đoạn 4, có xơ gan tim, tuy nhiên chưa đến giai đoạn cuối của suy tim, có thể phẫu thuật điều trị các tổn thương van tim, giúp chức năng tim không xấu thêm, tình trạng người bệnh có thể hồi phục sau mổ.

Sau một tuần điều trị nội khoa, ông Q. được phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 6 tiếng, người bệnh được gây mê và theo dõi độ mê, gây tê cơ cạnh cột sống, theo dõi tưới máu não liên tục trong mổ. Sau khi mổ thay van 2 lá, sửa van 3 lá, đặt bóng dội ngược động mạch chủ, huyết động của ông Q. ổn định, được chuyển sang khu hồi sức để tiếp tục theo dõi.

BS Lương Công Hiếu khuyến cáo, khi các bệnh nhân có triệu chứng thì tim đã bị ảnh hưởng về chức năng và hình thái, mất bù một phần. Vì vậy nên khám sức khỏe tim mạch định kỳ nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý, cũng như tuân thủ các tư vấn, theo dõi, điều trị của bác sĩ từ giai đoạn sớm của bệnh.

Đặc biệt, đối với các bệnh van tim, việc phẫu thuật sửa van từ giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn, hình thái và chức năng tim được bảo tồn. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có các triệu chứng ngày càng nặng hơn, nhập viện nhiều lần với mật độ ngày càng tăng, chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng xấu kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống. 

Mặc dù có khả năng thành công trong phẫu thuật bệnh van tim ở giai đoạn muộn nhưng đi đôi với đó là nguy cơ và tỷ lệ biến chứng cao, chưa kể đến thời gian nằm viện kéo dài, tạo nên gánh nặng chi phí đối với gia đình người bệnh. Trường hợp xấu nhất, việc trì hoãn phẫu thuật dễ dẫn đến tình trạng suy tim giai đoạn cuối và thậm chí là tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem