Cựu Thủ tướng thoát tù

Thứ bảy, ngày 05/05/2012 19:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cựu Thủ tướng Iceland, ông Geir Haarde vừa trở thành chính khách đầu tiên và duy nhất bị xét tội hình sự liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày 23.4, ông bị tuyên phạm 1 trong 4 tội danh nhưng không phải ngồi tù ngày nào.
Bình luận 0

Tại Landsdomur- một cấp tòa hình sự đặc biệt được thành lập ở thủ đô Reykjavik từ năm 1905, chuyên xét xử các cựu và đương kim công chức chính phủ-ông Haarde bị tuyên có tội không tổ chức các cuộc họp khẩn cấp cấp chính phủ khi cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng, nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của lĩnh vực tài chính Iceland.

img
Ông Haarde và vơ, Inga Jona Thordardottir.

Nhưng ông được xử trắng án 3 tội danh nghiêm trọng hơn vốn có thể khiến ông phải ngồi tù hai năm: tội “cẩu thả nghiêm trọng”, “vi phạm các luật về trách nhiệm của công chức”, “thờ ơ với trách nhiệm của một TTg khi đối diện một hiểm họa lớn về hệ thống tài chính quốc gia”. Chánh án Markus Sigurbjornsson tuyên: “Geir Haarde sẽ không bị trừng phạt”.

“Vụ án điểm”

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Steingrimur Sigfusson, một trong những người chống ông Haarde kịch liệt, nói về nguyên tắc đây là một “vụ án điểm”, vì khi đất nước lâm thảm họa, chính phủ Haarde đã chẳng làm gì để phòng chống.

img
Ông Haarde thoát án tù

Ông Haarde tuyên bố phán quyết ông có tội là “phi lý”, tố cáo 15 quan tòa Landsdomur bị sức ép chính trị khuất phục. Ông nói: “Rõ ràng đa số quan tòa tự biết họ phải tuyên tôi có tội ở một điểm dù nhỏ, để cứu cái cổ của các ông nghị xúi giục vụ án này, và để biện hộ cho phiên tòa thấp kém nhưng tốn nhiều tiền này. Tội tôi chẳng liên quan đến nguồn gốc vụ khủng hoảng tài chính. Tôi luôn cho rằng tội này kỳ quái nhất so với các tội khác”.

Ngân sách quốc gia sẽ phải xuất số tiền 190.000USD để thanh toán án phí cho ông. Ông Haarde nói sẽ tính chuyện kháng án tới Tòa án nhân quyền châu Âu.

Ông Haarde là lãnh đạo đảng Độc lập khuynh hữu và nắm quyền lực từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2009 thì phải từ chức, khi liên minh cầm quyền thất cử do nhân dân bất mãn cuộc khủng hoảng, ông trở thành một gương mặt đáng ghét do người dân bị mất việc làm và nhà ở. Ông từng là “công cụ” chuyển biến Iceland từ một quốc gia đánh cá thành một cường quốc tài chính, trước khi cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế Ireland sụp đổ trong chỉ một đêm.

Ông bị tố cáo không điều khiển được các ngân hàng mau tăng trưởng (trước cuộc khủng hoảng, giá trị tài sản của họ “nở bùng” to hơn 10 lần so với GDP có được trong 10 năm bùng nổ kinh tế của đất nước 320.000 dân này) trước khi họ bị sụp đổ dưới sức nặng nợ hồi tháng 10-2008.

Ông Haarde là một trong 4 cựu công chức bị “bêu danh” trong một báo cáo hồi năm 2010: họ góp phần làm sụp đổ lĩnh vực tài chính, khi 3 ngân hàng lớn nhất Ireland (lúc đó nắm số vốn tương đương 923% GDP) là Glitnir, Kaupthing và Landsbanki lần lượt bị phá sản chỉ trong một tuần (sau khi ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ bị sập kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính) và chính phủ phải vay 10 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế.

img
Ông Haarde thời vui vẻ với ông Brown

Theo báo cáo, ông Haarde và thống đốc Ngân hàng trung ương thời đó là David Oddsson “ém” thông tin hồi mùa xuân 2008, không cho các Bộ trưởng và Chính phủ biết đất nước đang bị đẩy tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng khiến Iceland bị rơi vào sự suy thoái trầm trọng, dẫn đến việc nước này phải vay bảo lãnh 2,1 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện nền kinh tế Iceland dần phục hồi.

Tòa “trò hề”

Ông Haarde bị buộc tội không có biện pháp phân tích nhà nghề về cuộc khủng hoảng tài chính mà Iceland phải đối mặt, “cẩu thả” không có biện pháp giảm thiểu tầm cỡ hệ thống ngân hàng, không bảo đảm các tài khoản Icesave ở Anh được chuyển qua các chi nhánh, và không có được kết quả tốt trong báo cáo của chính phủ năm 2006 về sự ổn định tài chính và sự đề phòng.

Tại tòa, ông Haarde nói: “Lúc đó không ai trong chính phủ nhận ra có mùi cá ươn trong hệ thống ngân hàng bất ổn của quốc gia cho đến khi chúng sụp đổ. Tôi cho rằng thật phi logic khi nghĩ rằng tôi hoặc ai đó trong chính phủ có thể giảm thiểu tầm cỡ thiệt hại của các ngân hàng”.

Ông đã ba lần đề nghị hủy bỏ quyết định xét xử ông, gọi phiên tòa là “trò hề chính trị” của một số đối thủ mượn vỏ bọc một vụ án hình sự. Ông khẳng định ông sẽ bị xử oan -vì ông không bị điều tra-chứ ông không làm gì sai, mọi diễn biến dẫn đến vụ sụp đổ rất phức tạp và không thể quy chụp trách nhiệm cho chỉ một người.

“Dê tế thần”

Hồi tháng 9.2010, quốc hội Ireland do đảng Xanh khuynh tả bỏ phiếu và có 33 phiếu thuận (30 phiếu chống) quy ông Haarde là người duy nhất phải bị truy tố, nên ông là người đầu tiên phải “hầu” Landsdomur. Khi có quyết định truy tố ông Haarde, các nhà phân tích chính trị đã chỉ trích.

Giáo sư Gunnar Helgi Kristinsson thuộc khoa chính trị của đại học Iceland, nói: “Đáng tiếc là họ hành động không khôn ngoan” và đằng sau vụ truy tố này là cuộc trả thù cá nhân của đảng cầm quyền. Cố vấn Kristrun Heimisdottir của Bộ Kinh tế Iceland nói: “Đã có sự phẫn nộ muốn ai đó phải bị treo cổ, nhưng bây giờ người dân đã hỏi: “Xét xử Haarde có công bằng? Có đúng là Haarde có tội?”. Chuyên gia Jon Danielsson về Iceland của Đại học kinh tế London nói quyết định truy tố là một sai lầm lớn.

Các thăm dò cũng cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân đối với quốc hội Iceland đã giảm đáng kể. Nhiều người dân đồng ý rằng cần phải truy tố nhiều người chứ không chỉ riêng ông Haarde.

Haarde 61 tuổi cũng được xóa các tội liên quan việc ông không đề phòng cuộc khủng hoảng tài chính lan sang Vương quốc Anh, khi ông không chỉ đạo các ngân hàng Iceland thu hẹp hoạt động ở nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng này dẫn đến khủng hoảng ngoại giao giữa Iceland và Anh, do sự sụp đổ của Ngân hàng Landsbanki kéo theo nhánh hoạt động ngân hàng qua mạng internet Icesave của họ, khiến các hội đồng thị chính Anh, các trường đại học và bệnh viện cùng các tổ chức từ thiện bị “móc túi” hơn 1 tỷ bảng Anh.

Thủ tướng Anh thời đó là ông Gordon Brown buộc tội ông Haarde “có hành vi phi pháp không thể chấp nhận” trong việc không bảo đảm đền bù cho các thân chủ Anh. London lúc đó phải can thiệp để cứu người gửi tiền tiết kiệm với số tiền 3,2 tỷ bảng, nhưng chính phủ Anh hiện vẫn đòi Iceland bồi thường khoản chi phí ấy.

Cuộc khủng hoảng cũng kéo theo sự sụp đổ của nhà đầu tư bán lẻ Baugur (Anh) vốn sở hữu cổ phần tại nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Theo Thế giới & hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem