Đã có 460.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật được nhập về Việt Nam trong 9 tháng năm 2024
Đã có 460.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật được nhập về Việt Nam trong 9 tháng năm 2024
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 06:08 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 460.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Kiểm dịch thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu phù hợp thông lệ quốc tế
Theo báo cáo của Cục Thú y, 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 460.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT, cơ quan kiểm dịch đã xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella và E.coli đối với sản phẩm động vật nhập khẩu.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Bộ NNPTNT, tham tán nông nghiệp các nước có ý kiến về Thông tư 04/2024 của Bộ NNPTNT (sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn) làm chậm việc đăng ký doanh nghiệp các nước được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang Việt Nam; làm chậm việc thông quan hàng hóa vào Việt Nam... Các tham tán quan ngại thông tư sẽ ảnh hưởng đến mở cửa thị trường với sản phẩm mới, hay một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Việt Nam nay bị gián đoạn…
Qua đó cho thấy, từ khi Thông tư 04 có hiệu lực (16/5/2024) đến nay, có 64 lô (với hơn 1.489 tấn) dương tính với Salmonella, trong tổng số 10.534 lô hàng xét nghiệm Salmonella, chiếm gần 0,61% số lô hàng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y tiếp tục phối hợp với các tham tán, cơ quan thú y các nước giải đáp các vướng mắc đến tận cùng vấn đề nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt, đặc biệt là liên quan đến Thông tư 04. Qua đó để hai bên hiểu, hợp tác và thúc đẩy thương mại hơn nữa.
"Như vậy, nếu không xét nghiệm Salmonella, đã có một lượng lớn thịt động vật bị nhiễm Salmonella được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam" - ông Chu Nguyên Thạch - Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết.
Trước ý kiến về việc Thông tư 04 "làm khó" ngay cả với các sản phẩm đã đủ điều kiện được phép xuất khẩu sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, với sản phẩm đã được xuất khẩu sang Việt Nam hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Nếu có ảnh hưởng chỉ là việc cần cung cấp cụ thể thông tin sản phẩm. Vướng mắc hiện nay chủ yếu xảy ra đều là các sản phẩm phụ phẩm, sản phẩm chưa nằm trong thỏa thuận thú y cũng như mẫu HC (giấy chứng nhận kiểm dịch) giữa Việt Nam với các nước.
Ông Nguyễn Văn Long cũng nêu thực tế, nhiều sản phẩm chưa có trong danh mục nhưng đã xuất khẩu sang Việt Nam gây khó khăn trong hoàn thiện thủ tục của hải quan Việt Nam. Vừa qua, Cục Thú y đã làm việc với Đức, Hà Lan tháo gỡ cụ thể những vướng mắc về thủ nhập khẩu các sản phẩm thịt liên quan đến Thông tư 04. Trong tháng 10 và 11, Cục Thú y tiếp tục làm việc trực tiếp với các nước, chứ không chỉ qua văn bản.
"Về nguyên tắc, nếu sản phẩm không nằm trong thỏa thuận thú y hai nước, không thuộc danh mục thì nước nhập khẩu đươc quyền từ chối kiểm dịch. Nhưng để tránh ảnh hưởng thương mại, nhiều trường hợp Cục Thú y đã trao đổi lại Tham tán các nước" - ông Nguyễn Văn Long thông tin.
Với doanh nghiệp mới đăng ký xuất khẩu sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long thông tin, Cục Thú y đã nhận được 340 hồ sơ đến từ trên 20 quốc gia. Cục đã xử lý dứt điểm 285 hồ sơ, chiếm 83%. Có một số hồ sơ, Việt Nam yêu cầu bổ sung thông tin vì chưa đáp ứng yêu cầu Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Cơ sở quốc tế mà Việt Nam áp dụng là các quy định về thú y của Tổ chức Thú y thế giới, đó là các quốc gia cần chứng minh vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
"Khi xử lý hồ sơ, Việt Nam không chỉ căn cứ vào an toàn thực phẩm mà còn căn cứ vào an toàn dịch bệnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Việc xử lý hồ sơ mới đều được nỗ lực giải quyết theo tinh thần hai bên cùng có lợi" - ông Nguyễn Văn Long thông tin.
Trước ý kiến của các tham tán về việc kiểm dịch khiến hàng hóa bị thông quan chậm, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Long nêu rõ, trên 99% số lô hàng nhập khẩu âm tính và được thực hiện kiểm dịch nhập khẩu trong vòng 1-3 ngày. Chỉ có khoảng gần 1% số lô sản phẩm động vật dương tính, sẽ cần nuôi cấy phân lập để khẳng định và cần 7-8 ngày. Việc làm này cũng để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm.
Hợp tác, thúc đẩy thương mại nông sản với các nước
Thời gian qua, việc kiểm dịch nhập khẩu các sản phẩm động vật vào Việt Nam gặp một số khó khăn, vướng mắc do không thống nhất tên hàng hóa. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Chu Nguyên Thạch cho biết, Cục Thú y đã có văn bản gửi Đại sứ quán và cơ quan có thẩm quyền của các nước đề nghị cập nhật danh mục các sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất giữa: Danh sách các quốc gia, các doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể cho từng loại sản phẩm; giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; đơn của các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu sản phẩm động vật; giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của Việt Nam; mã số HS cho từng sản phẩm động vật theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BNNPTNT và Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT.
Tại cuộc làm việc với Tham tán nông nghiệp các nước Mỹ, Brazil, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch và Hà Lan về thúc đẩy thương mại nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng thông tin, năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam không tăng nhưng số người bị ngộ độc tăng rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do Salmonella. Việc kiểm soát Salmonella tốt đã giúp cho số người, số vụ ngộ độc giảm đáng kể.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo của các quốc gia trong xuất khẩu. Với tinh thần cầu thị để hợp tác thương mại hai chiều tốt hơn, Thứ trưởng mong tiếp tục có sự phối hợp giữa các tham tán, cơ quan thú y các nước với thú y Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại nông sản giữa Việt Nam và các nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.