Đã đến lúc không thể chạy theo tăng trưởng nhanh

Thứ hai, ngày 26/12/2011 19:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ước tính của Bộ KHĐT, tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 5,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm trước (6,78%) và thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (7- 7,5%).
Bình luận 0

Tuy nhiên, đây là tốc độ tăng có thể được coi là hợp lý, với những điểm tích cực.

Nói là hợp lý bởi: Thứ nhất, đây không phải là tốc độ thấp trong điều kiện chung theo dự báo của năm nay khi tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm từ 5,1% xuống còn 4%.

Thứ hai, theo thời gian, tốc độ tăng có xu hướng cao lên qua các quý (quý I tăng 5,43%, quý II tăng 5,67%, quý III tăng 6,11%, quý IV ước tăng gần 6,4%). Đà cao lên này của tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2011 là tín hiệu khả quan để có thể tin rằng đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2012 (6- 6,5%).

Ba, tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản vượt qua nhiều thách thức, khó khăn về thời tiết, sâu bệnh để tăng 2,3%, đóng góp tích cực, với kỷ lục mới về sản lượng lúa (ước đạt 42,2 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với 2010), về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, về giải quyết công ăn việc làm cho các doanh nghiệp, làng nghề do khó khăn mà lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, tạo sự ổn định ở trong nước, ứng phó với sự bất ổn ở bên ngoài.

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 6,6% và nhóm ngành dịch vụ tăng 6,4%, lại có tỷ trọng lớn nhất, nên tiếp tục là động lực và đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cuối cùng, điểm tích cực rất đáng lưu ý trong năm nay là tư duy về tăng trưởng đã có sự chuyển đổi quan trọng, đó là không tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng “ảo”, mà phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đã đến lúc Việt Nam không thể chạy theo tăng trưởng nhanh theo số lượng, bởi nhiều lý do. Việt Nam đã bước vào thời kỳ gặp giới hạn ở đầu vào (tỷ lệ đầu tư/GDP thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó chỉ có khoảng hai phần ba tỷ lệ đó là từ tích luỹ ở trong nước, từ tiết kiệm nội tại của nền kinh tế, còn một phần ba tỷ lệ trên là từ nước ngoài).

Việt Nam cũng sẽ gặp khó ở đầu ra, khi có tỷ lệ xuất khẩu/GDP đã rất cao, khi các nước gặp khó khăn hoặc có chính sách bảo hộ. Tăng trưởng số lượng còn dễ gây ra hiệu ứng phụ là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô, như đã từng xảy ra trong mấy năm qua.

Bài học kinh nghiệm của Việt Nam và của nhiều nước cho thấy, mục tiêu lâu dài đạt được không phải bằng tốc độ cao trong hiện tại, mà ở sự bền vững của tốc độ đó trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem