Đã di dời khẩn cấp trên 270.000 dân

Thứ bảy, ngày 30/07/2011 17:47 PM (GMT+7)
Dân Việt - Toàn bộ 271.404 người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 gồm: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã được di dời.
Bình luận 0

Tính đến 12h trưa hôm nay, theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, toàn bộ 271.404 người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 gồm: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã được di dời.

Vào thời điểm này, các địa phương vẫn đang ra sức phòng chống bão số 3. Tại Nam Định, sáng nay vẫn còn trên 100 mủng, mảng nhỏ của ngư dân các xã ven biển bất chấp nguy hiểm, cố tình ra khơi đánh bắt hải sản. Tại khu vực biển thuộc xã Giao Xuân (huyện Giao Thuỷ) còn trên 100 ngư dân và 122 lều ngao, vạng chưa trở về nơi an toàn. Tỉnh Nam Định đã thực hiện khẩn cấp lệnh cưỡng chế đối với toàn bộ các phương tiện đánh bắt và những ngư dân cố tình đánh bắt, khai thác trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Để bảo vệ tuyến đê biển, tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và chuẩn bị đủ lượng vật tư cho các huyện, xã để phòng chống bão. Ông Đỗ Văn Khánh- Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định cho biết: “Sở NNPTNT, cùng 3 huyện kiểm tra 3 tuyến đê biển là Hải Triều của Hải Hậu, đặc biệt là đê quai lấn biển Cồn Xanh của Nghĩa Hưng. Những trọng điểm đó thì tỉnh chỉ đạo các huyện lên phương án phòng chống đảm an toàn tuyến đê theo phương án “bốn tại chỗ”.

Trên tuyến đê biển Nghĩa Hưng hiện có đoạn đê kè đang bị sạt trượt ở mái đê biển. Từ chiều và sáng nay địa phương đang tiến hành xử lý đợt đầu.

Tại Thái Bình, để bảo vệ trên 80.000ha lúa hè thu, ngành chức năng đã chỉ đạo đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong đồng và các kênh, sông đề phòng bão vào gây ngập úng lúa mùa mới cấy; quản lý và giữ lại toàn bộ số mạ hiện còn làm dự phòng để hỗ trợ những vùng úng trũng bị mất lúa.

Theo Ban chỉ huy PCLB Thái Bình, đến thời điểm này, trên 1.400 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi trú ẩn an toàn.

Các địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng công an, quân sự đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ dân sơ tán. Tổ chức bảo vệ tài sản cho nhân dân vùng sơ tán. Đảm bảo lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân trong thời gian sơ tán.

Tại Ninh Bình, cùng với triển khai các giải pháp tiêu rút nước đệm trong đồng, trong các sông để chống úng ngập lúa hè thu và hoa màu, tỉnh đã lên kế hoạch chi tiết, bám sát diễn biến của bão để triển khai các giải pháp phù hợp. Riêng tại huyện Kim Sơn, bên ngoài khu vực đê biển Bình Minh 2 hiện có hơn 200 lều với 7.44 lao động đang trông coi ngao và trên 900 hộ đang nuôi trồng thủy hải sản ven biển.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND huyện Kim Sơn đã chỉ đạo địa phương và ngành chức năng di dời toàn bộ người dân vào bên trong đê khi bão đến và cử lực lượng bảo vệ diện tích thuỷ sản cũng như hướng dẫn người dân khắc phục tình trạng ngọt hoá gây thiệt hại đối với diện tích tôm sú.

Tại Hà Tĩnh, theo Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh , Phó ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đến sáng nay, tỉnh đã kêu gọi được toàn bộ tàu thuyền vào bờ, neo đậu an toàn. Tuy nhiên, lo lắng của Hà Tĩnh hiện nay khi bão đổ vào là hiện tỉnh chỉ có gần 100km đê trong số 319km của tỉnh chỉ chịu được cơn báo cấp 10 trở xuống, còn trên cấp 10 thì khả năng chống đỡ kém. Hiện các tuyến đê xung yếu tỉnh đã huy động các vật tư tại chỗ, đặc biệt là các bạt, bao tải, rọ thép; huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, đoàn thành niên tham gia trực tiếp che chắc, đảm bảo không không bị vỡ đê”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem