Qua tìm hiểu, được biết nguyên nhân do hệ thống thoát nước bị ách tắc, dẫn tới tình trạng ngập nước cục bộ kéo dài, gây ô nhiễm môi trường. Theo một số người dân phản ánh: Nhiều hôm trời mưa to, không chỉ ngập đường mà nước còn tràn vào cửa hàng, nhà xưởng, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại và quá trình sản xuất kinh doanh. Để khắc phục tạm thời, người dân địa phương phải cùng nhau đóng góp kinh phí thuê nạo vét, khơi thông dòng chảy...
Đường dẫn vào cụm công nghiệp làng nghề sắt thép Đa Hội ngập nước gây khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa của các cơ sở sản xuất cán phôi thép.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết: “Trước tình trạng ngập úng này, địa phương đang kiến nghị lên cấp trên, sớm có giải pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho cụm công nghiệp làng nghề sắt thép Đa Hội”.
Từ trước đến nay, làng nghề Đa Hội vốn đã "nổi danh" bởi mức độ phát triển nóng, dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hiện tại, cụm công nghiệp làng nghề Châu Khê có hơn 1.700 cơ sở sản xuất, trong đó Đa Hội chiếm đến hơn 900 cơ sở đúc phôi thép, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép với sản lượng các loại sắt thép đạt gần 1.000 tấn/ngày.
Để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, làng nghề Đa Hội đã “hút” một lượng lao động khổng lồ, từ 5.000 - 7.000 người, trong đó 50% đến từ các địa phương khác. Nhờ làm ăn thuận lợi, mức thu nhập bình quân của lao động chính thức tại làng nghề luôn đạt trên 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất với quy mô lớn.
Ngập đường, người điều khiển xe gắn máy phải đi trên vỉa hè.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh không đi cùng với tính bền vững trong “nội tại” đã khiến sản xuất tại làng nghề Đa Hội rơi vào suy thoái. Hậu quả, sau hơn 10 năm phát triển, làng nghề đã dần bộc lộ những điểm yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người dân khu vực được xem là nguyên nhân lớn triệt tiêu động lực phát triển của làng nghề truyền thống.
Tại làng Đa Hội có gần 1.000 lò đúc cán, mạ thép luôn rực lửa khiến bầu không khí nóng hầm hập. Các loại máy cán, dập, đúc, cắt thép không ngừng phát ra những thứ âm thanh hỗn độn, nhức óc đinh tai. Tại một số lò, những làn khói đen theo ống dẫn được xả ra với mùi khét lẹt hòa quyện với bụi đường, bụi than, bụi kim loại, bụi mạt sắt và mùi hóa chất lẫn mùi hôi thối của nước và rác thải... Cùng với Đa Hội, làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê (phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng rất ô nhiễm, bởi hành vi xả thải “bẩn” ra các ngả đường, kênh, mương tùy tiện, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh, mỗi ngày làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê sử dụng khoảng 40.000 tấn than củi các loại và 18.000m3 nước, thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp (gồm các loại xỉ than, phế liệu, vẩy sắt) và trên dưới 1 tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 15.000m3 nước thải... Tất cả các chất thải này chưa qua xử lý được đổ trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất của làng nghề; đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của gần 4.000 hộ dân trong phường./.
Đông Bích (baobacninh.com.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.