Đã mắt vườn quýt vàng từng được Chủ tịch Quốc hội khen ngon

Chang Liễu Thứ ba, ngày 08/01/2019 19:30 PM (GMT+7)
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi còn đương nhiệm Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và khen quýt vàng Bắc Sơn ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) vỏ vàng đẹp mắt và thơm ngon.
Bình luận 0

Một ngày đầu năm mới, phóng viên Dân Việt có cơ hội trải nghiệm một chuyến đi bộ leo đường rừng núi đá để vào thăm lân quýt vàng trĩu quả của gia đình ông Dương Công Sơn - hộ gia đình có tiếng trồng cam ngon nhất vùng Bắc Sơn...

img

Đường vào lân quýt phải đi bộ leo núi đá, men theo những lối mòn hẹp hai bên là đá dựng đứng.

Người dân địa phương thường gọi những thung lũng trồng quýt vàng là lân lũng hoặc lân quýt. Thông thường, hường người dân sẽ chọn những thung lũng đất thịt màu mỡ, ẩm ướt để trồng giống quýt vàng bản địa này. Những lân quýt thường xa nhà và ít lân nào có thể đi được xe máy, người dân phải đi bộ đường rừng để vào lân chăm sóc và thu hái quýt. Có những lân quýt  người dân phải mất hơn 1 giờ đi bộ mới đến vườn. Hiện nay có một vài hộ đã mang cây quýt vàng "hạ sơn" về trồng tại đất bãi, đất vườn gần nhà để tiện chăm sóc và thu hái.

Ông Sơn dẫn phóng viên đi sâu vào chân núi và bắt đầu chuyến hành trình vượt núi vào lân. Con đường leo dốc đá gập ghềnh, nhiều đoạn phải dùng tay bám vào những phiến đá, gồng mình lấy sức leo lên. Đường như trơn trượt và ẩm ướt hơn bởi cơn mưa vừa ngớt đêm qua.

img

Những quả quýt trong lân đang chín rộ, căng mọng màu vàng đẹp mắt.

Ông Sơn nói: “Lân quýt này của gia đình đã là lân có đường dễ đi và gần nhất so với nhiều lân khác rồi. Bình thường đi nhanh, quen đường chỉ mất khoảng 15- 20 phút là đến, nhưng nếu không quen leo núi thì chắc phải 30 phút mới đến nơi. Trong vùng này nhiều lân xa hơn nhiều, phải leo núi đá đi cả giờ đồng hồ mới tới lân quýt”.

Sau khi leo lên đến đỉnh núi, chúng tôi đi xuôi dần xuống là gần đến lân quýt của gia đình ông Sơn. Mất khoảng hơn 20 phút chúng tôi đến nơi và trước mắt là một vạt quýt chín vàng căng mọng, sai trĩu cành.

img

Ông Sơn thu hái quýt vàng tại lân.

Ông Sơn còn nhớ rõ: “Vào ngày 17.12.1997, ông Nông Đức Mạnh, thời đó giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội có tới thăm lân quýt này. Hồi đó ông cụ thân sinh ra tôi có trồng tại lân này hơn 800 cây quýt vàng bản địa. Nhân một chuyến công tác tại Lạng Sơn, gia đình tôi đã rất vinh dự được Chủ tịch Quốc hội thời đó ghé thăm vườn quýt và chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình”.

Ông Sơn cho biết: Vườn quýt này hiện cũng đã được trồng mới nhiều, vì cây nào chết là ông lại trồng mới. “Từ đầu mùa năm nay, gia đình tôi đã cắt tỉa bớt mang bán hơn 2 tấn quả nhưng năm nay được mùa, nên hiện vẫn còn khoảng 6 tấn. Trung bình 1 buổi tôi hái sau đó gánh về nhà được 3 chuyến quýt, mỗi chuyến nặng 1.3 tạ đựng đầy 2 chiếc sọt”. ông Sơn nói.

img

Ông Sơn dự kiến lân quýt năm nay sẽ cho thu hoạch 7-8 tấn quả.

Theo ông Sơn, Quýt vàng Bắc Sơn là giống cây ăn quả bản địa. Cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô, sinh trưởng tốt trong khe núi, thung lũng. Quýt vàng Bắc Sơn nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng tạo cho thứ đặc sản này có một hương vị đặc biệt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại quýt đang bước vào giai đoạn chín nhất, từ xa xa nhìn lại đã thấy màu vàng nổi bật của những chùm quýt căng mọng, sáng cả một vạt rừng.

img

Trung bình ông Sơn gánh 3 chuyến quýt/ buổi nặng 1.3 tạ/ chuyến vượt đường rừng để mang quýt về được tới nhà. 

Hiện nay nhiều hộ gia đình mang quýt về đất thịt trồng cho tiện chăm sóc và thu hái nhưng theo ông, khi mang quýt về đất thịt trồng phải tốn nhiều công chăm sóc hơn, thường xuyên tưới nước, kiểm tra sâu bệnh. Theo kinh nghiệm riêng, ông cho biết loại quýt này rất kiêng kỵ bón phân lợn. Vì khi bón phân lợn, ban đầu cây xanh mướt, phát triển rất tốt nhưng sau đó, do độ ẩm cộng với những vi khuẩn, sâu bệnh trú ngụ trong phân phát triển làm xuất hiện nhiều sâu bệnh hại ở gốc và thân làm cây vàng lá dần rồi chết.

“Thường bón phân chuồng ta nên đem ủ 1 thời gian sau đó sẽ mang bón cho cây. Đồng thời lấy ớt, tỏi đem giã nhỏ rồi ủ với rượu 20 ngày pha với nước rồi phun diệt sâu bệnh. Làm như vậy vừa an toàn, tiết kiệm mà cũng rất hiệu quả” – ông Sơn cho hay.

img

Quýt được người dân bày bán thành từng mâm dọc bên đường quốc lộ.

Hiện tại, ngoài lân quýt thì gia đình ông Sơn còn trồng cam canh, bưởi diễn, cam chiết cành… với tổng diện tích hơn 1.3ha. Như mọi năm, năm nay quýt quả to đều được gia đình ông chọn mang bán cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg. Ngoài phát triển cây ăn quả, gia đình ông còn phát triển chăn nuôi lợn mang lại thu nhập cao cho gia đình. “Tính cả vườn cây ăn quả và chăn nuôi thì gia đình tôi cũng có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, ông Sơn phấn khởi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem