Theo nghề thu mua cá nước ngọt đã 16 năm, anh Phan Đình Phúc (huyện Phú Vang) thân thuộc với ông Lê Hùng Cư – chủ 7 hồ cá nuôi ở cánh đồng Thanh Lam (TX. Hương Thủy) đến mức mỗi lần đến kỳ thu hoạch, anh sẵn sàng ngụp lặn dưới hồ cùng người làm của ông Cư để kéo, quây, bắt và chuyển cá lên xe, dù thực tế đó không phải công việc của anh.
Công đoạn kéo lưới đưa cá lên bờ
Cá nuôi ở đồng Thanh Lam chủ yếu là chim trắng, ba sa, rô phi. Từ cá bột cho đến lúc thu hoạch mất tầm 10 tháng. Tuy nhiên, cách nuôi của ông Cư theo kiểu gối vụ, nên cứ 3 tháng là cá có thể “đi” chợ đầu mối Phú Hậu, sau đó theo chân các thương lái tỏa ra về các chợ trong tỉnh và có mặt ở Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam...
Mẻ này ước chừng hơn 7 tạ cá nên sát bờ phải có thêm người phụ mới có thể đưa cá vào những ô lưới được quây sát chân hồ.
Cá đến địa điểm tập kết, anh Phúc (ngoài cùng) cùng người làm của chủ hồ nhanh chóng cột kín lưới ở từng ô tránh cá thoát ra ngoài.
Từ ô lưới tập kết, cá được phân loại, sau đó thả vào những ô kế bên.
Phân loại cá ba sa.
Trong lúc phân loại, những chú cá liên tục quẫy đuôi, tung mình tạo ra cảnh tượng khá đẹp mắt.
Nhiều người hiếu kỳ xuống tận nơi để xem .
Sau khi phân loại xong, kiểm tra trọng lượng xong cá được vận chuyển lên xe tải.
Dù là người mua nhưng anh Phúc vẫn phụ giúp chuyển cá lên xe rất nhiệt tình.
Cá chưa đạt trọng lượng 1kg trở lên được thả lại qua hồ kế bên chờ lớn.
Sau khoảng 30 phút từ đồng Thanh Lam về đến điểm đổ xe, thuyền cá Bãi Dâu (chợ đầu mối Phú Hậu), xe cá tiếp tục bơm nước, sục ô xy, sau đó đưa cá vào nuôi nhốt chờ thương lái đến mua.
Những chú cá to sẽ được chuyển đi một số tỉnh lân cận.
Khoảng 3h sáng, sạp cá được mua gần hết.
Hàn Băng (Thừa Thiên Huế online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.