“Đã một đời nhân hậu, đam mê...”

Thứ ba, ngày 09/07/2013 15:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cách đây đúng 1 tháng, ngày 9.6, tiến sĩ khảo cổ người Nhật Bản Nishimura Masanari qua đời tại Hà Nội sau một tai nạn giao thông. Ông đã đến với Việt Nam bằng một tình yêu vô hạn định và đã ở lại với đất nước này, như một duyên nợ từ tiền kiếp.
Bình luận 0

Một người tình nguyện

Sự ra đi của TS Nishimura Masanari đến hôm nay vẫn còn là một nỗi đau xót lớn cho những người ở lại. Sinh năm 1965, ra đi ở tuổi 48, cái tuổi bước vào độ “chín” trong cuộc đời nghiên cứu của một nhà khoa học, vậy mà chỉ vì một tai nạn giao thông trên đường đi xe máy đến hiện trường khảo cổ ở Bắc Ninh, “Nishi” đã không bao giờ về nữa.

Tất cả các nhà khảo cổ Việt Nam đều đồng lòng đánh giá, không một nhà khảo cổ nước ngoài nào hiểu biết, say đắm và gắn bó với khảo cổ Việt Nam hơn được Nishi. Ông đã tình nguyện đến với đất nước bên bờ Biển Đông trong suốt hơn 20 năm nay để vạch từng lá cây ngọn cỏ, khẽ khàng gạt từng hạt đất để trân trọng tìm ra những dấu tích văn hóa từ thời tiền sử, góp phần giúp người Việt hiểu nhiều hơn về ông cha mình.

img
TS Nishimura Masanari tại khu di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

Làm sao có thể kể hết được những dấu chân mà TS Masanari đã để lại trên đất nước này, bất cứ điểm nóng khảo cổ nào từ Bắc chí Nam ông đều có mặt. Bảo vệ đề tài luận án tiến sĩ về “Nghiên cứu khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mekong - Đồng Nai”, không chỉ thế, ông còn là người tìm ra mảnh khuôn đúc trống đồng được người Việt sử dụng thời đầu Công nguyên - một chứng cứ quan trọng để chứng minh trống đồng phát tích từ đất này chứ không phải là một sản phẩm ngoại lai.

TS Nishimura Masanari

sinh ngày 9.12.1965, tại vùng biển Simonoseki thuộc tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1985, Nishimura Masanari trúng tuyển vào bộ môn khảo cổ học của Trường Đại học Tokyo. Năm 1990, ông bắt đầu sang Việt Nam nghiên cứu và quyết định ở lại gắn bó với đất nước này. Năm 2001, ông thành lập Quỹ Bảo vệ Di sản văn hoá Đông Nam Á. Sau khi mất, ông được truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội”.

TS Bùi Văn Liêm- Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đồng nghiệp thân thiết của TS Nishimura Masanari nhớ lại: “Chính tôi là người đã giúp ông học nói những từ tiếng Việt đầu tiên. Cách đây hơn 20 năm, Nishi đã cùng chúng tôi đến di chỉ khảo cổ làng Vạc (Nghệ An), ông chu đáo tới mức mua những món quà nhỏ như chiếc bút máy, khăn mặt, máy tính để tặng người dân ở đó. Nói như thế để thấy rằng ông thực sự trân trọng người dân trên khắp các vùng đất này, ông sống nghĩa tình, đã coi mình thực sự là một người con của nền văn hóa Việt”.

Với người dân của làng gốm Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), những người đã từng thân thuộc với TS Nishimura Masanari từ khi ông còn là một chàng độc thân đẹp trai vui tính, thì làm sao có thể kể hết những kỷ niệm đã có cùng nhau. Nishi đã đến, xắn quần lội bùn cùng với bà con làng gốm để tìm ra những di vật tổ tiên của họ gửi lại đời sau, chìm khuất trong bao nhiêu địa tầng như những thông điệp vô giá của thời gian. Hàng ngàn di vật gốm sứ trong đó có bát nhĩ bôi (thế kỷ II), gạch Hán thời Đông Hán, Tây Hán giúp khẳng định nơi đây chính là lò gốm của Thái thú Cao Biền- người được triều đình phương Bắc cử sang trấn ải phương Nam. Nishi đã chứng minh, vào thế kỷ thứ IX, Kim Lan từng là nơi ở và nơi xây dựng lò gốm dưới sự coi sóc của Thái thú Cao Biền.

Nhưng các hố khai quật nằm sát mép sông Hồng có nguy cơ bị sụp đổ khi con sông đổi dòng chảy, Nishi lại chật vật huy động các cơ quan cùng bạn bè ông đóng góp tiền mua 100m3 đá hộc để kè sông. Rồi cũng vì tình yêu với đất Kim Lan mà Nishi vất vả suốt nhiều năm trời ngược xuôi để vận động các doanh nhân tỉnh Kobe (Nhật Bản) và nhiều bạn bè tại Việt Nam để xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan khánh thành ngày 2.3.2012. Cứ ngỡ bảo tàng rộng 500m2 này sẽ được đón đợi ông ghé thăm nhiều lần, vậy mà không ngờ...

Để gần hơn sự tử tế

Tiến sĩ Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết: “Masanari ra đi, bỏ dở bao nhiêu kế hoạch như chương trình Hợp tác chỉnh lý di vật khảo cổ học di tích chùa Dạm, Bắc Ninh; chỉnh lý di tích khảo cổ học Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp, và di tích khảo cố học Con Moong, hang Mang Chiêng, tỉnh Thanh Hóa. Bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp, học trò vẫn chưa thể quen với nỗi trống vắng này”.

Cho đến giờ, nhiều người vẫn hỏi mình, tại sao Nishi lại quyết định rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, rời xa môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại gấp trăm lần để gắn bó đời mình với đất nước Việt Nam? Có lẽ không có lý giải nào hợp lẽ hơn là một chữ “duyên”. Vì duyên nợ đã đưa ông đến với đất nước còn đầy khó khăn gian khổ này, vì duyên phận mà ông đã gặp và kết hôn với bà Nishimura Noriko- một nghiên cứu sinh tiếng Việt ở Hà Nội, rồi làm đám cưới theo đúng phong tục người Việt vào năm 2001, và vì duyên nghiệp mà ông đã trút hơi thở cuối cùng cũng trên đất nước này.

Cuộc sống là như vậy, nó luôn chứa đựng những bất ngờ không thể lý giải, trong số những bất ngờ đó, có cả sự kỳ diệu và có cả những điều đau đớn xót xa. Tình yêu của tiến sĩ Nishimura Masanari dành cho Việt Nam là một điều kỳ diệu, nhưng sự ra đi của ông trong một khoảnh khắc trớ trêu và tàn nhẫn của số mệnh, là một điều khiến chúng ta cảm thấy mãi mãi đau đớn và xót xa. Vì đất nước này, vì những người dân đã được thụ hưởng rất nhiều từ tình yêu vô hạn định, vô điều kiện của Nishi, đến bao giờ chúng ta mới trả được món nợ ân tình cho ông và những người thân của ông, đất nước của ông?

Ngày Nishi ra đi, cha mẹ ông sang Việt Nam để nhìn mặt con lần cuối và mặc dù rất đau lòng, vẫn quyết định gửi người con trai giỏi giang của mình ở lại với đất làng gốm Kim Lan. Nishi là một nhịp cầu để nối gần Nhật Bản- Việt Nam và nối chúng ta với những điều tử tế, tốt đẹp mà con người có thể đem đến cho nhau trên cõi đời này, vì thế mà tuy ông mãi mãi ra đi, nhưng cũng là ở lại.

Tưởng nhớ cuộc đời đầy ý nghĩa của TS Nishimura Masanari, một đồng nghiệp của ông ở Việt Nam đã viết bài thơ mà đọc xong, tôi thấy mình bị ám ảnh. Nhất là ở khổ thơ cuối cùng: “Gió cầu Thanh Trì mưa qua Phù Đổng/Nay vắng bóng anh đăm đắm đi về/Tôi ngược Bắc mỗi lần se sắt/Đã một đời nhân hậu, đam mê”. Nishimura Masanari - một cuộc đời nhân hậu, đam mê đã “sống gửi, thác về” trên mảnh đất này, để giúp mỗi chúng ta cảm nhận rõ hơn về hơi ấm của tình đồng loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem