Chiều 13/7, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, đại biểu Lê Hồng Cương (thuộc tổ đại biểu HĐND đơn vị huyện Hòa Vang) cho biết, hiện nay, nhà cửa xung quanh khu "tứ giác vàng" nằm trên trục đường Lê Duẩn, Chi Lăng, Hùng Vương, Ngô Gia Tự quanh khu vực sân Chi Lăng (quận Hải Châu) đang được tháo dỡ thu hồi để bàn giao mặt bằng. Từ đó, xuất hiện tình trạng các ngôi nhà bị đập nham nhở, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị tại khu vực kinh doanh sầm uất thuộc 4 con đường trung tâm của TP.
Gần 100 ngôi nhà trên "đất vàng" Đà Nẵng trở thành xác thô do liên quan đại án Phạm Công Danh. Ảnh: D.B
"Việc tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại liên quan khu đất sân Chi Lăng sẽ còn kéo dài, TP sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự trong quá trình tháo dỡ, thu hồi mặt bằng cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị trong khi chờ xử lý các vướng mắc để triển khai công trình mới tại khu vực trung tâm TP?", đại biểu Cương đặt câu hỏi.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho hay, hiện Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Đà Nẵng đang thực hiện theo kết luận của bản án đã tuyên và tiến hành tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt khu vực sân Chi Lăng. Để đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, UBND TP đã giao UBND quận Hải Châu đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng.
"Hiện còn 13 hộ nữa chưa bàn giao mặt bằng. UBND quận Hải Châu đã xây dựng phương án quản lý, tôn tạo cảnh quan để không ảnh hưởng mỹ quan đô thị của khu vực sân Chi Lăng. UBND quận Hải Châu cũng đang phối hợp với Cục THADS TP để thực hiện giải tỏa mặt bằng. Sau khi giải phóng mặt bằng xong sẽ có triển khai phương án đảm bảo mỹ quan đô thị", ông Phong nói.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng dưới thời ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch đã chỉ đạo lập thủ tục giao đất sân vận động Chi Lăng cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh triển khai thực hiện dự án.
Năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng thống nhất chuyển nhượng toàn bộ 55.000m2 sân vận động Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Ngay khi nhận chuyển nhượng, Tập đoàn Thiên Thanh đã tách thửa 55.000m2 sân vận động Chi Lăng thành 14 lô đất đứng tên các công ty thành viên.
Mặc dù được giao diện tích đất rất lớn nhưng Thiên Thanh không triển khai đầu tư mà đem 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được TP.Đà Nẵng cấp (sau khi tách thửa), cầm cố tại các ngân hàng để vay vốn vào các năm 2013, 2014.
Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm 2016 và 2017, Phạm Công Danh được đưa ra xét xử tại TAND các cấp. Bản án hình sự phúc thẩm (số 30/2017/HSPT), đã tuyên giữ nguyên toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP.HCM: Kê biên 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại VNCB để quản lý theo quy định về tài sản đảm bảo; giải tỏa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao VNCB và Agribank chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) để quản lý theo quy định về tài sản đảm bảo.
Ngày 26/4/2018 Cục THADS TP.HCM ủy thác cho Cục THADS TP.Đà Nẵng, thi hành án đối với Bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP.HCM và Bản án hình sự phúc thẩm (số 30/2017/HSPT) của TAND Cấp cao tại TP.HCM (xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm), xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên quá trình thực hiện thi hành án, Cục THADS Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phải xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền cấp trên, trong đó có UBND TP.Đà Nẵng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.