Đà Nẵng: Dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tại các chợ dân sinh biến động thế nào?
Đà Nẵng: Dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tại các chợ dân sinh biến động thế nào?
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Chủ nhật, ngày 09/05/2021 10:31 AM (GMT+7)
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Đà Nẵng, nên các chợ truyền thống đều phải thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch. Hoạt động mua bán vì thế cũng có phần kém nhộn nhịp hơn bình thường, giá cả các mặt hàng nhìn chung không biến đổi.
Tại chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), trước khi vào chợ, mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Đa số người dân đều ý thức chấp hành tốt quy định phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, lượng người mua sắm tại chợ đã thưa hơn trước dịch, nhiều gian hàng đã nghỉ bán tạm thời.
Bà Trần Thị Ngọc (52 tuổi), tiểu thương bán thịt heo tại chợ Túy Loan chia sẻ: "Khi dịch Covid tái phát, thì người dân hạn chế ra đường, tiết kiệm chi tiêu nên nhìn chung chợ giảm lượng người mua. Riêng quầy thịt heo của tôi bán từ sáng sớm đến trưa vẫn còn nhiều, giá rẻ hơn mọi khi nhưng bán rất chậm. Người dân chủ yếu mua đủ dùng trong ít ngày, chứ không mua trữ nhiều như đợt dịch trước".
Theo đó, giá thịt heo tại chợ Túy Loan không tăng, thịt vai bán 120.000 đồng/kg, thịt mông giá 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ từ 150.000 đồng/kg, sườn non khoảng 170.000 đồng/kg.
Ông Tán Văn Quang (51 tuổi), Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Túy Loan cho biết, hiện nay BQL chợ bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang trước khi vào chợ, rửa tay, vệ sinh sát khuẩn. Các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
BQL tích cực tuyên truyền, giám sát hoạt động buôn bán của tiểu thương. Nếu phát hiện trường hợp nào tự ý nâng giá cả lên cao bất thường thì sẽ xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, từ ngày 8/5, người dân được phát phiếu đi chợ theo ngày sẽ giúp hoạt động trao đổi, mua bán tại các chợ được kiểm soát dễ dàng và chặt chẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Thục, tiểu thương bán rau bộc bạch: "Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người dân hạn chế ra đường, chợ cũng không đông đúc như mọi hôm. Nhưng số rau quả tôi tự trồng mang ra chợ lại bán khá chạy, giá vẫn không đổi, dao động từ 5.000-10.000 đồng/bó. Nếu chợ đông người hơn thì tôi nghỉ sớm, còn vắng người như hiện nay thì phải bán ít lại, về trễ hơn".
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), lượng hàng hóa thực phẩm các loại nhập về chợ luôn phong phú và dồi dào. Các gian hàng đầy ắp rau củ quả từ nhiều vùng miền, hải sản tươi sống được bày bán đa dạng.
"Trải qua các đợt dịch trước thì tôi không còn lo sợ thiếu thực phẩm, chỉ đến chợ mua đủ thức ăn cho gia đình trong 2-3 ngày để hạn chế đến nơi đông người. Đặc biệt, chợ đầu mối là nơi luôn dồi dào hàng hóa các loại, giá cả lại phải chăng, không biến động nên tôi yên tâm mua sắm, không phải chịu cảnh chen lấn trong mùa dịch nguy hiểm này", bà Trịnh Thị Như tâm sự.
Giá cả thịt heo tại chợ đầu mối vẫn giữ ngang bằng với trước khi có dịch, dao động từ 130.000-170.000 đồng/kg (tùy loại). Sức mua được đánh giá là chậm hơn ngày thường, người dân không còn tâm lý ồ ạt mua tích trữ lương thực - thực phẩm như mọi lần. Không khí mua bán diễn ra trong sự giám sát chặt chẽ của BQL chợ, mọi người ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, không chen lấn, giữ khoảng cách an toàn.
Tiểu thương Đặng Ngọc than thở: "Dịch bệnh mùa nắng nóng này thì hàng rau xanh, trái cây còn bán được, chứ bán gà vịt như tôi ế lắm. Gà công nghiệp đông lạnh bán dễ hơn, khoảng 40.000 đồng/kg, gà vịt làm sẵn giá dao động từ 140.000-180.000 đồng/con (tùy loại) nhưng ít người mua".
Các tiểu thương phải dùng phiếu để xuất trình trước khi ra vào chợ buôn bán, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các quy định phòng chống dịch, bình ổn giá. Cả tiểu thương và người tiêu dùng cùng đồng lòng, chung tay ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hi vọng rằng TP Đà Nẵng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn để đời sống sớm trở lại bình thường.
Được biết, từ ngày 8/5 TP Đà Nẵng thống nhất áp dụng "Thẻ đi chợ" trên toàn địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.