Đà Nẵng: "Rồng rắn" rút tiền ATM cận Tết

Diệu Bình Chủ nhật, ngày 19/01/2020 11:17 AM (GMT+7)
Nhu cầu rút tiền mặt trong những ngày cận Tết tăng cao khiến nhiều điểm ATM bị tê liệt, nhiều khách hàng phải xếp hàng gần 30 phút mới tới lượt.
Bình luận 0

Khoảng 10h sáng sáng ngày 19/1 (25 tháng Chạp), hơn chục người dân đang đứng xếp hàng trước các cây ATM trên đường Ông Ích Đường (Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Một số người cho biết họ phải đợi khá lâu mới đến lượt rút tiền, vì nhiều người rút tiền với số lượng lớn.

img

Người dân chờ rút tiền.

Chị Nguyễn Thị Khê (Hòa Xuân) cho biết, chị đã phải đợi hơn 20 phút mới đến lượt rút tiền. “Chủ nhật, phòng giao dịch không làm việc, chị phải rút nhiều lần mới được đủ số tiền mình cần đi sắm Tết”, chị Khê nói.

“Cận Tết, mấy hôm nay người cứ tới rút tiền không ngớt. Tuy không xảy ra tình trạng hỗn loạn nhưng từ sáng tới giờ lúc nào cũng khoảng 10-15 người cứ đứng xếp hàng chờ rút tiền, người này đi thì người khác lại đến”, bà Hồ Thao bán nước gần đó cho biết.

Tương tự, anh Lê Minh Hoàng (Cẩm Lệ) chia sẻ, anh đã chạy qua 3 cây ATM nhưng vẫn chưa rút được tiền. “Cây thì đông quá, cây thì không thực hiện giao dịch được. Ngán!”, anh Hoàng than thở.

img

Một số cây ATM tạm ngừng hoạt động.

Ghi nhận của PV Dân Việt, trên một số tuyến đường có khoảng 5-6 cây ATM của nhiều ngân hàng khác nhau, nhưng người dân chỉ tập trung rút tại một điểm, trong khi những cây khác vẫn hoạt động bình thường. Nhiều người cho rằng, đến máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ hoặc máy ATM quen để rút, chứ không rút ở máy ATM "lạ”. Do vậy, bên cạnh cảnh xếp hàng “lê thê” thì cũng có trụ ATM khá vắng.

Giải thích về việc  này, anh Thiện (quậnThanh Khê) cho biết, mình không đến trụ ATM của ngân hàng khác để rút tiền vì lo lỡ máy trục trặc, trừ tài khoản nhưng không nhả tiền hoặc nuốt thẻ, thì sẽ rắc rối và khó giải quyết, vì đã cận Tết. "Rút tiền khác ngân hàng thì mất phí và rủi ro cao trong khi Tết đến nơi rồi, nên tôi cứ ra đúng cây ATM của ngân hàng mà rút thôi, đợi lâu một chút cũng được", anh Thiện nói.

Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, các ngân hàng sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu các ATM ngừng hoạt động quá 24 tiếng mà không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thuộc địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng.

Từ tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức thanh toán thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán, rút tiền mặt của người dân diễn ra thông suốt.

Trong văn bản mới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch… thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020.

Theo đó, các ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, phải giám sát hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo mạng lưới diễn ra an toàn và thông suốt.

img

Trao đổi với PV, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết để bảo đảm nguồn tiền đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh cũng như các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, tăng cường theo dõi hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.

Đặc biệt, không để tình trạng gián đoạn hoạt động khiến người dân xếp hàng chờ rút tiền, nhất là tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông cán bộ, công nhân viên.

“Các ngân hàng cần tăng cường thêm hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt bằng tiền mặt ngay tại doanh nghiệp, công ty nhằm giảm áp lực cho hệ thống máy ATM trong những ngày cao điểm chi trả lương, thưởng… Mọi hoạt động của các cây ATM được các ngân hàng trên địa bàn bảo đảm đủ lượng tiền phục vụ Tết trên 24/24 giờ”, ông Minh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem