Đặc sản Tết: Bánh chưng, bánh tét, củ kiệu nhà làm đắt như tôm tươi

Ngọc Quyên Thứ tư, ngày 07/02/2018 06:15 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, các loại thực phẩm làm theo kiểu truyền thống được các bà nội trợ lựa chọn để dùng trong những ngày Tết. Chính vì vậy, số lượng người làm các loại thực phẩm nhà làm ngày càng nhiều, bởi có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm ra sản phẩm sử dụng trong gia đình, biếu người thân lại vừa bán, kiếm thêm thu nhập.
Bình luận 0

Cứ mỗi dịp Tết đến, chị Nguyễn Thị Thái Huyền, giáo viên tại Trường THPT Thạnh Đông, xã Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) lại có thêm nghề tay trái là làm lạp xưởng và bánh chưng, bánh tét. Điểm đặc biệt ở bánh tét, bánh chưng do chị Huyền làm là nhân bánh không chỉ có đậu xanh mà được biến tấu với các loại như trứng muối, hạt sen, nấm đông cô, tôm khô, lạp xưởng.

Có lẽ chính sự khác biệt này mà bánh tét, bánh chưng do chị Huyền làm luôn là món ăn được nhiều khách chờ đợi. Để đảm bảo các nguyên liệu cho bánh tét, bánh chưng an toàn, chị Huyền tự tay ra chợ chọn mua nếp, đến tận các chòi vịt chạy đồng trong xã để mua trứng vịt về tự muối. Ngoài ra, nấm đông cô được chị lấy tại cơ sở có uy tín tại quê mẹ chị ở Nam Định, tôm khô đặt từ thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) và hạt sen chị mua từ Đồng Tháp. 

img

Các loại thực phẩm được làm theo kiểu truyền thống được ưa chuộng dịp Tết. (Ảnh: NQ).

Theo chị Huyền, nếp làm bánh sẽ được chị tạo màu tím bằng lá cẩm và màu xanh bằng lá dứa, sau đó sẽ được xào với nước cốt dừa cho béo trước khi gói. Hiện chị Huyền bán bánh chưng giá 120-150 ngàn đồng/cái, bánh tét giá 65 ngàn đồng/cái. Còn đối với món lạp xưởng, cách làm của chị Huyền cũng khá công phu. Để lạp xưởng có màu đỏ hồng đặc trưng, chị dùng 5 loại thảo dược ngâm với rượu để lấy được màu đỏ hồng ướp thịt làm lạp xưởng. Do nhà ở gần lò giết mổ nên chị Huyền luôn có được nguồn thịt tươi và giá rẻ. 

Chị Huyền chia sẻ: “Thịt vừa ra xong còn nóng hổi sẽ được xắt, xay nhỏ với mỡ gáy heo. Sau khi được dồn vào ruột heo non, lạp xưởng tươi sẽ được sấy bằng hơi nóng lò than nên chắc thịt và có mùi thơm hấp dẫn”.

img

Theo đơn hàng đã đặt sẵn, chị Huyền cho biết mỗi ngày chị cung ứng khoảng 15kg lạp xưởng dịp Tết. (Ảnh: NQ).

Từ hơn 1 tháng nay, trên facebook cá nhân đã bắt đầu chào hàng các sản phẩm nhà làm phục vụ người tiêu dùng dịp tết. Lần theo một địa chỉ trên facebook, chúng tôi đến khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), nơi chị Trần Thị Út đang tất bật với các món dưa kiệu, dưa cải và mứt các loại để kịp giao hơn 100 đơn hàng trong và ngoài tỉnh.

Theo chị Út, hiện dưa kiệu giá 150 ngàn đồng/kg, dưa cải trộn sẵn giá 70 ngàn đồng/kg. Các loại mứt dừa, mứt khóm, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột, giá dao động từ 120-150 ngàn đồng/kg. “Các loại dưa, mứt đều làm thủ công như ở nhà mình ăn nên khách rất yên tâm vì không sử dụng phẩm màu hay chất bảo quản độc hại. Không chỉ có bạn bè, các trường học đặt mua mà còn có cả khách ngoài tỉnh” - chị Út cho hay. 

Cũng theo chị Út, các mặt hàng phục vụ Tết như dưa, mứt các loại được chị làm bán khá sớm từ đầu tháng chạp để khách mua dùng thử trước khi đặt số lượng lớn. Như mọi năm, các đơn hàng từ sau ngày 20 tháng chạp sẽ có giá tăng lên từ 30-50% nếu giá nguyên liệu trên thị trường tăng đột biến. 

Tuy mới bán dịp Tết năm nay nhưng món lạp xưởng, khô gà sấy lá chanh và khô cá lóc róc xương của chị Nguyễn Thị Linh, ở ấp Hòa B, xã Hòa Lợi (huyện Giồng Riềng) đã được nhiều người biết đến, kể cả khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh cũng đến đặt hàng. 

img

Một trong những ưu điểm của thực phẩm nhà làm là sản phẩm chỉ làm trong dịp Tết theo kiểu thủ công truyền thống, nên người tiêu dùng cảm thấy an tâm. (Ảnh: NQ).

Chị Linh kể, nghề làm lạp xưởng, khô cá lóc do mẹ chị dạy, còn khô gà sấy lá chanh thì sau lần được dùng thử, chị đã lần mò trên mạng internet để tìm công thức. Ban đầu chỉ làm cho gia đình, người thân ăn mỗi dịp Tết, rồi nhiều người ăn thấy ngon nên đặt hàng, giờ thì làm không đủ bán. 

Chị Linh cho biết: “Khô cá lóc tôi bỏ hết xương, rửa kỹ bằng nước muối nhiều lần và ướp bằng nước mắm, bột nêm để thịt cá giữ được vị ngọt và độ trong tự nhiên. Còn khô gà sấy lá chanh thì sẵn nhà nuôi gà nhiều nên tận dụng làm nguồn nguyên liệu sạch, thịt gà thả vườn sẽ dai, thơm và an toàn hơn gà nuôi”.

Đối với món lạp xưởng, chị Linh không sử dụng phẩm màu mà dùng rượu mai quế lộ để ướp thịt nạt sấy với mỡ, nên lạp xưởng có màu đỏ hồng bắt mắt và có mùi thơm đặc trưng. Hiện chị Linh bán khô cá lóc, khô gà giá 350 ngàn đồng/kg, lạp xưởng giá 160 ngàn đồng/kg. Tuy giá bán cao hơn so với thị trường nhưng sản phẩm do chị làm luôn đắt khách, số lượng làm ra không đủ cung ứng.

Một trong những ưu điểm của thực phẩm nhà làm là sản phẩm chỉ làm trong dịp Tết theo kiểu thủ công truyền thống, nên người tiêu dùng cảm thấy an tâm. Hơn nữa, việc tiêu thụ những sản phẩm này theo kiểu truyền miệng, người này dùng thử thấy ngon, chất lượng nên giới thiệu người kia. Và cũng chính vì được làm từ những nguyên liệu nguyên chất, thủ công nên giá thành của các thực phẩm nhà làm bao giờ cũng cao hơn ngoài thị trường, song vẫn luôn đắt khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem