Đặc sản Tết: Đẹp mê cam bù chín mọng nhuộm vàng cả vùng đồi Hương Sơn

Nguyễn Duyên Thứ sáu, ngày 09/02/2018 18:14 PM (GMT+7)
Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng với kẹo cu đơ, chè xanh mà còn nổi tiếng bởi đặc sản cây có múi như bưởi, cam… Những ngày cận tết này, những vườn cam bù chín mọng đang nhuộm vàng những vùng đồi ở đây. Nhờ cây cam mà cuộc sống của người dân trước đây vốn khó khăn nay đã trở nên khấm khá và đã xuất hiện nhiều triệu phú.
Bình luận 0

Huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương trồng nhiều cây cam bù nhất tỉnh. Khoảng cuối tháng 11 âm lịch, cam bù đã bắt đầu chín, cũng từ thời gian này trên các sạp hoa quả tại các chợ, những quán ven đường quốc lộ cam bù đã được người dân bày bán. Càng những ngày cuối năm cam chính đỏ vàng rực cả những góc chợ, những vườn đồi. Thời điểm này những vườn cam đẹp đã được các thương lái đặt mua để cắt bán vào dịp tết.

Những năm gần đây diện tích trồng cam trên địa bàn Hà Tĩnh tăng lên rất nhanh. Từ sự chịu khó của người dân, cơ chế chính sách phát triển kinh tế tại địa phương mà những vùng đồi trước đây là những vườn cây tạp không có giá trị kinh tế nay được thay thế bằng những đồi cam ngút ngàn sai trĩu quả.

img

Những vườn cam chín đỏ những ngày giáp tết. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Cam Bù có vị ngọt, chua thanh, thời gian thu hoạch từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng giêng năm sau. Giá bán dao động từ 30 ngàn đồng/kg trở lên tùy thời điểm, có thời điểm người dân bán được 120 ngàn đồng/kg. Càng những ngày cận tết giá cam lại càng tăng.

img

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và cách chăm sóc của người dân mà những quả cam tròn đều căng mọng.

img

Ảnh: Nguyễn Duyên

Là một trong những hộ trồng cam có tiếng từ lâu tại địa phương, trò chuyện với phóng viên, ông Trần Xuân Hạnh ( thôn Minh Giang, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn), phấn khởi: Cây cam muốn có quả đều và đẹp thì phải có độ tuổi từ 4 năm tuổi trở lên. Việc chăm sóc cam cũng đòi hỏi sự tỷ mẩn như bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh. Mỗi năm cây cam được bón 2 lần phân chuồng ngoài ra còn bín bổ sung các loại phân khác. Hiện nay vườn cam hơn 1.000 gốc của gia đình tôi chủ yếu được thương lái đến hái tại vườn. Sản lượng cam đạt khẳng 20 tấn, ước tính doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam của gia đình.

img

Ông Hạnh bên vườn cam sai trĩu quả của gia đình. Ảnh: Nguyễn Duyên

Anh Tuất một hộ trồng cam tại xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn) vui vẻ: Nhờ chính sách hỗ trợ của địa phương mà những người dân như chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 2.000 gốc cam. Cam đã bắt đầu cho thu hoạch, hiện nay gia đình tôi đã ổn định về kinh tế, con cái có điều kiện học tập, mua sắm được các vật dụng đắt tiền trong gia đình.

img

Những cây cam sai trĩu quả....

img

...và đẹp mắt. Ảnh: Nguyễn Duyên.

img

Cam được bày bán tại các chợ....

img

....Dọc các tuyến đường quốc lộ. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Trao đổi với PV Dân việt, ông Trần Ngọc Kiên - Chủ tịch UBND xã Sơn Mai vui vẻ nói: Riêng xã Sơn Mai chúng tôi mỗi năm sản lượng cam đạt hơn 1.000 tấn, doanh thu mỗi năm khoảng 32 tỷ đồng. Ở xã chúng tôi cây cam đã giúp người dân đổi đời. Có những thời điểm giá cam lên tới 120 ngàn/kg.  Hiện nay diện tích trồng cam trên địa bàn toàn xã là 284 ha, trong đó hơn 155 ha đã cho thu hoạch và diện tích trồng cam đang ngày một tăng. Đặc điềm đất vùng này rất phù hợp với cây cam chanh và cam bù. Sản lượng và chất lượng của cây cam đã được khẳng định nhưng hiện nay cam bù Sơn Mai chưa có thương hiệu trên thị trường nên việc tiêu thụ cam đang gặp khó khăn. Việc tiêu thụ chỉ mới dừng ở mức người dân tự đi bán, các thương lái vào tận vườn để mua chứ chưa có chỗ đứng trong chuỗi các siêu thị. Năm nay chúng tôi đang xây dựng mô hình trồng cam theo hướng nông sản sạch Vietgap, dán tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm của địa phương có chỗ đứng trên thị trường hơn.

img

Những cành cam sai trĩu quả...

img

Nên phải dùng các cành cây và dây để chống đỡ. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: Hiện toàn huyện có 1.955 ha trồng cam, trong đó có 844 ha cam đã cho thu hoạch và cam bù là 344 ha. Vùng trồng cam chủ yếu tập trung ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thủy… Người dân phát triển trồng cam cùng với áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên sản lượng và chất lượng của cam ngày càng được nâng cao. Bình quân sản lượng cam tại địa phương đạt 15 - 16 tấn/ha. Nhưng tới đây việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn khi sản lượng cam ngày càng tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem