Về Hương Sơn trong một ngày mùa đông nắng nhẹ. Những xã miền núi như Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Thuỷ… nhộn nhịp hơn trong tiếng bán mua. Và, trong thung sâu núi đồi, muôn triệu quả cam bù đang chuyển mình mạnh mẽ từ màu xanh sang màu mặt trời mọng đỏ.
Những vùng đất trống, đồi trọc vốn là nơi “khỉ ho cò gáy” nay được phủ kín cây cam và ấm áp tiếng người. Từ cây cam, miền sơn cước Hương Sơn cũng xuất hiện nhiều trang trại bạc tỷ.
Ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: Hiện toàn huyện có 1.955 ha cam, trong đó 844 ha đã cho thu hoạch và cam bù chiếm 344ha, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trường… Với kỹ thuật chăm sóc ngày càng cao, năng suất cây cam bù ngày càng cao, bình quân năm 2016 đạt 14,5 tấn/ ha, năm 2017 ước đạt 15,5tấn/ ha
Dường như thổ nhưỡng và tình yêu đặc biệt của người dân Hương Sơn đã khiến cây cam bù bén rễ và có duyên bền lâu với miền quê này. Chẳng những thế mà những đồi cam ở đây không chỉ cho năng suất cao mà còn rất đẹp mắt. Nhìn những vườn cam ngay hàng thẳng lối, được trồng theo mô hình bậc thang cho quả trĩu cành mới thấm nhận được hết tình yêu của người nông dân với vườn cam của mình.
Ông Phạm Đức Chinh – thôn Kim Lĩnh (Sơn Mai) cho biết: “Cam bù là loại cây khá khó tính, để cam cho quả đẹp, ngọt đậm và nhiều thì đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong việc chăm bón cũng như tỉa cành. Những năm gần đây, ngoài việc chăm sóc cam bù bằng kinh nghiệm, chúng tôi còn được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện trong việc áp dụng những tiến bộ KHKT trong chăm sóc, nhờ đó năng suất, chất lượng ngày càng cao”.
Hiện nay, để phát triển lợi thế về cây cam bù, huyện Hương Sơn đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích mở rộng diện tích. Cùng với hỗ trợ về thủ tục cấp đất, quy tụ trang trại huyện còn hỗ trợ 15.000 đồng/cây cam bù đối với vườn hộ có diện tích tối thiểu 200m2 và các tổ chức, cá nhân, hộ trồng mới tập trung trên diện tích 0,5ha (tương đương 250 gốc).
Anh Hoài - Anh Tấn (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.