Đặc sản “tôm bay” được dân tình săn lùng, dân buôn bán cả tạ mỗi ngày thu về cả triệu
Đặc sản “tôm bay” được dân tình săn lùng, dân buôn bán cả tạ mỗi ngày thu về cả triệu
Thứ hai, ngày 19/07/2021 14:23 PM (GMT+7)
Dịp này trên các cánh đồng lúa của Thanh Hóa, thi thoảng lại bắt gặp từng tốp người dân đi vợt bắt châu chấu. Bình quân mỗi ngày, người làm nghề bắt châu chấu kiếm được từ 500.000 đến 700.000 đồng.
Từ đầu tháng 6 đến nay, vợ chồng ông Trương Văn Mạnh (48 tuổi) chở nhau bằng xe máy, tới các cánh đồng ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương… để vợt bắt châu chấu.
Ông Mạnh liên tục cầm cây vợt để bắt châu chấu bằng những động tác thuần thục và nhanh nhẹn.
Hàng trăm con châu chấu bị mắc vào đáy vợt.
Châu chấu thường có thân màu xanh vàng, lục vàng hoặc nâu bóng. Con nhỏ thân dài 1-2 cm, khi trưởng thành dài 3-4 cm.
Dụng cụ vợt châu chấu có đường kính miệng rộng 1m, sâu 1,5 m, được quấn bằng túi nylon, gắn với cán tre dài gần 3 m.
"Nhìn chiếc vợt đơn giản vậy nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật thì mới bắt được châu chấu. Khi vợt qua một nhịp thì phải hơi gấp miệng vợt lại cho châu chấu rơi xuống dưới đáy, không bay ra ngoài. Động tác vợt phải nhanh nhưng nhẹ nhàng, làm mạnh thì châu chấu bị chết rất khó bán", ông Mạnh chia sẻ.
Ông Mạnh cho biết, mỗi ngày ông chạy xe đi khắp các cánh đồng tìm vợt châu chấu, làm việc khoảng 6 tiếng ngoài đồng, bắt được khoảng 3 kg. Công việc giữa đồng dưới thời tiết nắng nóng ông Mạnh phải uống bổ sung nước liên tục.
Do trời nắng gần 40 độ C, người bắt phải đem túi lưới đựng châu chấu ngâm dưới mương nước khoảng 2 phút để côn trùng không bị chết nóng.
"Châu chấu non được thương lái mua với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg, còn châu chấu già bán 180.000 – 200.000 đồng/kg đem nhập làm thức ăn cho chim. Một ngày hai vợ chồng tôi đi vợt thu từ 500.000 đến 700.000 đồng", Bà Nguyễn Thị Mậu (vợ ông Mạnh) cho biết.
Khoảng 11h mỗi ngày, thợ săn tháo găng tay, quấn vợt lại trở về. Mỗi cánh đồng họ thường bắt châu chấu khoảng 3-5 hôm, sau đó chuyển sang vùng khác.
Mùa bắt châu chấu trên các cánh đồng ở Thanh Hóa thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Đây là nghề thời vụ của nông dân. Sau thời gian này, họ bước vào thu hoạch vụ lúa, hoa màu hè thu.
Hoàng Đông (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.