Phủ nhận chỉ đạo chuyển tiền vào tài khoản
Trong phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến hành vi cố ý làm trái, rút gần 5.200 tỷ đồng nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản (bà Trần Ngọc Bích - PV), rút 300 tỷ đồng không có chứng từ, gây thiệt hại cho VNCB gần 5.500 tỷ đồng, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục khai lòng vòng.
Theo bị cáo Danh, nhóm Trần Ngọc Bích do Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") giới thiệu. Do đây là khách hàng lớn nên bị cáo Danh chỉ đạo thuộc cấp của mình phải “chăm sóc đặc biệt”, đồng thời bác bỏ nhiều ý kiến cho rằng mình chỉ rút tiền của nhóm Trần Ngọc Bích.
Nhưng trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) khẳng định, mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và nhóm Trần Ngọc Bích là mối quan hệ vay mượn và có từ rất lâu. Chính Danh chỉ đạo chuyển tiền từ tài khoản bà Bích vào tài khoản Danh để rồi sau đó Danh chuyển tiền cho ông Trần Quý Thanh.
Theo bị cáo Quyết, việc chuyển 3.100 tỷ đồng ngày 21.8, 2.090 tỷ ngày 26.8.2013 từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Danh theo chỉ đạo của Danh. Cũng nghe chỉ đạo của Danh, Quyết thực hiện hồ sơ cho nhóm bà Bích vay 300 tỷ, cho khách hàng nợ chữ ký. Sau khi cho vay, chuyển tiền về tài khoản những người vay, sau đó chuyển vào các tài khoản do Danh chỉ định. Còn Quyết nhận sai vì cho khách hàng nợ chứng từ.
Đến đây, bị cáo Danh một mực khẳng định lời khai của bị cáo Quyết là không đúng. “Tôi chưa bao giờ chỉ đạo anh Quyết chuyển tiền từ tài khoản bà Bích vào tài khoản của tôi, và tôi cũng không chỉ đạo anh Quyết cho nợ chứng từ. Mong HĐXX xem xét lại lời khai của anh Quyết”, bị cáo Danh nói.
Trước đó, tại phiên tòa, bà Trần Ngọc Bích phủ nhận mối quan hệ vay - trả với Phạm Công Danh. Việc số tiền của bà bị rút khỏi tài khoản bà không hề hay biết và những lần rút tiền đều không có sự đồng ý của bà.
Các bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại phiên tòa.
Phạm Công Danh nói thuộc cấp “nhát”
Mặc dù phản bác lại nhiều ý kiến của thuộc cấp nêu tại phiên tòa, nhưng Phạm Công Danh vẫn một mực khẳng định không trách các thuộc cấp của mình. “Các bị cáo khai tại tòa như thế tôi cũng chấp nhận, kể cả đổ lỗi cho tôi. Tôi không trách ai, kể cả nhân viên ở Tập đoàn Thiên Thanh và cả ngân hàng”.
Theo ông, các nhân viên của mình chỉ làm việc theo chỉ đạo, kể cả các giám đốc làm thuê, các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh cũng như cán bộ tín dụng, thẩm định giá của ngân hàng. Riêng với các bị cáo là lãnh đạo ngân hàng, bị cáo Danh cho rằng nhiều người “nhát”, không dám nói sự thật. Điển hình như bị cáo Phan Thanh Mai, liên quan đến việc chi tiền chăm sóc khách hàng không có hóa đơn chứng từ, Danh triệu tập nhiều cuộc họp để giải quyết điều này nhưng bị cáo Mai lại không dám đề cập đến.
“Có làm thì có chịu nhưng tôi không hiểu tại sao anh Mai lại không dám nói, không dám nhìn nhận?”, ông Danh đặt câu hỏi.
Phạm Công Danh cũng cho rằng có nhiều việc bị cáo không chỉ đạo thuộc cấp làm, nhưng nhiều người lại không dám thừa nhận khiến bị cáo rất đau khổ. “Tôi không trách, nhưng không hiểu sao đồng nghiệp không dám nói thẳng. Chẳng hạn như anh Hào (Bạch Quốc Hào, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý khai thác tài sản VNCB-AMC, người liên quan đến việc thuê 2 mặt bằng tại đường Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành, TP.HCM và thẩm định các khu bất động sản tại Đà Nẵng - PV) cũng thế”.
Trước đó, một số bị cáo nguyên lãnh đạo của VNCB khai nhận việc thực hiện các hành vi là theo chỉ đạo của vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh. Thời điểm đó ngân hàng rất khó khăn nên bị cáo Danh đã chỉ đạo bằng mọi cách phải có tiền để duy trì ngân hàng. Trong đó có các việc như nâng cấp Corebanking, rút tiền từ tài khoản Trần Ngọc Bích, thực hiện khống hợp đồng thuê mặt bằng tại đường Sư Vạn Hạnh, Tô Hiến Thành (TP.HCM)…
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.
Chiều 1.8, bị cáo Phạm Công Danh trình bày nguyện vọng được tiếp xúc với lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh (vợ và em của bị cáo – PV) để tìm cách khắc phục hậu quả đã gây ra cho Ngân hàng Xây dựng. Đề nghị này được HĐXX xem xét bởi đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.