Chiều nay (9.5), phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) bước qua phần xét hỏi. Trong buổi chiều, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung thẩm vấn làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng, trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Q3). Sau đó căn nhà được bán cho Trustbank, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.105 tỷ đồng.
Tại đây, một số vấn đề liên quan đến vai trò của bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) trong việc chi phối hoạt động của Trustbank cũng như trong việc gây thiệt hại cho Trustbank hơn 6.362 tỷ đồng cũng được nêu ra.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn trả lời thẩm vấn tại tòa.
Trả lời tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank) thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu nhưng cho rằng mình thực hiện không có động cơ cá nhân. Bị cáo Toàn cho rằng, trong hoàn cảnh đó bị cáo buộc phải làm như thế. Bị cáo được bà Phấn mời về ngân hàng Đại Tín làm việc và đứng tên cổ phần giúp cho bà Phấn nhưng thực chất chỉ là người làm thuê, không có thực quyền. Không riêng gì bị cáo, mọi người trong Trustbank cũng vậy khi bà Phấn yêu cầu làm gì thì đều phải theo.
Bị cáo Toàn khai, bà Hứa Thị Phấn dù là cố vấn HĐQT nhưng chi phối toàn bộ hoạt động của Trustbank. Với tổng số 84,92% cổ phần trong Trustbank thì không ai cản trở được bà Phấn, từ đó bà Phấn chi phối, điều hành toàn bộ. Với cách làm của bà Phấn, ông cho rằng không ai lấy được tiền của bà.
Liên quan đến hành vi này, trong hồ sơ, bị cáo Hoàng Văn Toàn thừa nhận sai phạm khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng (tương ứng với 20% vốn điều lệ của ngân hàng) mà không xin ý kiến của Đại hội cổ đông, không họp Hội đồng quản trị để quyết định, đầu tư khi ngân hàng vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định vẫn quyết định mua; không kiểm tra thẩm định giá tài sản, dẫn đến gây thiệt hại cho Trustbank…
Tương tự, bị cáo Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc Trustbank) cũng cho rằng mình chỉ là người làm thuê cho bà Phấn và làm theo chỉ đạo của bà. Trước khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Nam cho biết đã không kiểm tra bởi bị cáo tin việc làm của bà Phấn là đúng. Bị cáo Trần Sơn Nam cũng khai nhận, khi mua bán căn nhà trên mục đích của Hứa Thị Phấn được thực hiện thông qua 2 chi nhánh. Số tiền dùng mua bất động sản nêu trên có nguồn từ thị trường 2. Mọi việc mua – bán căn nhà này đều thông qua bị cáo Ngô Kim Huệ (cháu ruột bị can Phấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trustbank, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ). Việc hủy hợp đồng mua – bán với Công ty Lam Giang vì Huệ nói không thể xây trụ sở tại đây.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Kim Huệ lại cho rằng không soạn bất cứ tài liệu nào liên quan việc mua bán này, tất cả hồ sơ do bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) đưa.
Các bị cáo tại tòa
Liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, qua các lần thẩm định cho thấy giá trị thực của căn nhà này bị "thổi" lên nhiều lần. Ngày 13.8.2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Trustbank từ nhóm Hứa Thị Phấn rồi đổi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Thực hiện việc tái cơ cấu, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VNCB ký hợp đồng với Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Kết quả định giá ngày 4.9.2014 cho thấy căn nhà trị giá chỉ trên 181 tỷ đồng. Còn theo kết luận định giá tài sản ngày 12.11.2015 của Hội đồng định giá trong trong tố tụng hình sự, giá thị trường của căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch tại thời điểm tháng 2.2012 là 154,4 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.