Đại án VNCB: Vợ Phạm Công Danh xin nhận lại nhẫn và đồng hồ

Nguyễn Hữu Thứ năm, ngày 11/08/2016 17:59 PM (GMT+7)
Cho rằng đây là những kỷ vật, có ý nghĩa lớn lao với gia đình nên bà Quách Kim Chi (vợ bị cáo Phạm Công Danh) đã xin HĐXX cho phép được nhận lại hai món đồ này.
Bình luận 0

Theo cáo trạng, khi Phạm Công Danh bị bắt giữ, cơ quan điều tra kê biên, thu giữ hàng loạt bất động sản, tài sản có giá trị cùng một số tiền lớn (600.000 USD) của bị cáo Danh. Trong các ngày xét xử trước, bà Chi đã đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên một số tài sản chung là bất động sản.

Nhưng tại phiên tòa chiều 11.8, bà Chi khiến nhiều người ngạc nhiên khi đề nghị được nhận lại 2 món đồ của chồng. Đó là chiếc nhẫn và đồng hồ của Phạm Công Danh đã bị cơ quan điều tra thu giữ. So với các tài sản bị thu giữ, hai món đồ này có giá trị rất nhỏ bé nhưng theo bà Chi đây là những kỷ vật có ý nghĩa lớn lao với gia đình bà và được mua lúc bà sinh con đầu lòng. Do đó tại tòa, bà Chi đã xin HĐXX cho nhận lại kỷ vật của hai vợ chồng bà.

img

Các bị cáo tại tòa.

Còn liên quan đến 3 căn nhà đang bị kê biên (gồm nhà trên đường Hồ Văn Huê, Nguyễn Trọng Tuyển và khu dân cư Mương Lớn - TP.HCM) bà Chi cho biết 3 căn nhà này mua tại nhiều thời điểm khác nhau. Đây là tài sản chung nhưng không phải hoàn toàn từ tiền của vợ chồng bà. Để có các căn nhà trên bà đã phải vay mẹ ruột của mình với tổng số tiền 25 tỷ đồng. Bà Chi đã đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên đối với 3 căn nhà này. Bởi bà cho rằng đây là tài sản không liên quan đến vụ án. Bà cũng cho biết sẽ dùng tài sản chung để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng đã ký với các ngân hàng.

Bị cáo Danh cho biết đã nhiều lần đề nghị vợ mang 3 căn nhà đi vay ngân hàng, thậm chí muốn bán nhưng vợ ông không đồng ý. “Ba căn nhà không liên quan đến việc làm đúng sai của tôi, vợ tôi không cho mang đi thế chấp. Tôi không có ý kiến về các căn nhà, mong HĐXX xem xét lại” - bị cáo nói.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem