Đại án xăng lậu: Nhiều bị cáo khẳng định làm thuê ăn lương, xin bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu bất chính

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 02/11/2022 18:03 PM (GMT+7)
Đa số các bị cáo trong đại án xăng lậu đều xin HĐXX bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu lợi bất chính, vì các bị cáo cho rằng đi làm thuê được nhận lương và xứng đáng được hưởng lương.
Bình luận 0

Xét xử đại án xăng lậu

Ngày 2/11, HĐXX phiên xử đại án xăng lậu đã tiếp tục phần xét hỏi "ông trùm" Đào Ngọc Viễn về quá trình góp vốn hơn 19,3 tỷ đồng mua 2 tàu và 30 tỷ đồng để buôn lậu xăng (trong đó bị cáo Nguyễn Minh Đức, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt góp 7,5 tỷ đồng).

Đại án xăng lậu: Nhiều bị cáo khẳng định làm thuê ăn lương, xin bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu bất chính - Ảnh 1.

Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng tiền lương của các bị cáo cũng là tiền thu lợi bất chính. Ảnh: Nha Mẫn

Bị cáo Viễn khai rằng, bị cáo Đức biết việc nhập xăng lậu về bán nhưng trước toà Đức lại khai không biết là chưa đúng. Vì nguyên tắc làm ăn khi dám chi ra số tiền 7,5 tỷ đồng để góp vốn nhưng không biết tiền dùng để mua bán gì là phi lý. 

Về phần bị cáo Đức thắc mắc, Viễn bị tính tiền thu lợi bất chính với giá 2.000 đồng/lít nhưng Đức lại là 2.500 đồng/lít, Viễn lý giải là do quá trình chở xăng từ Singapore về Việt Nam, tàu của Viễn đã bị cảnh sát Malaysia bắt, phải đóng phạt hơn 40 ngàn USD (gần 1 tỷ đồng). 

Đại án xăng lậu: Nhiều bị cáo khẳng định làm thuê ăn lương, xin bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu bất chính - Ảnh 2.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn cho rằng việc bị cáo Đức không biết việc buôn xăng lậu là phi lý. Ảnh: Nha Mẫn

Việc đóng phạt hoàn toàn do đại lý ở Singapore hỗ trợ giấy tờ, còn tiền đóng phạt do Viễn tự trả, các bị cáo khác không hỗ trợ nên tiền thu lợi của Viễn giảm.

“Bị cáo thu lãi chỉ khoảng trên 1.000 đồng/lít, nhưng cáo trạng nêu thu lợi 2.000 đồng/lít bị cáo cũng chấp nhận”, Viễn nói.

Còn bị cáo Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc chi nhánh Công ty Dầu khí Vượng Đạt (tỉnh Khánh Hòa) khai nhận bản thân thường bán xăng cho khách hàng vào ban đêm. Việc bán xăng vào ban đêm được Trường khẳng định do Đức chỉ đạo.

Đại án xăng lậu: Nhiều bị cáo khẳng định làm thuê ăn lương, xin bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu bất chính - Ảnh 3.

Bị cáo Phan Trung Hiếu. Ảnh: Nha Mẫn

“Ngay từ đầu mọi hoạt động mua bán, chuyển khoản đều do bị cáo Đức chỉ đạo, bị cáo làm theo Đức. Bị cáo không biết đây là xăng nhập lậu, chỉ đến khi bị bắt và được giải thích, bị cáo mới nhận thức hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra khi buôn bán, khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn và bị cáo cũng không có hóa đơn để xuất. Việc xuất hóa đơn bị cáo không được bàn giao và không có trách nhiệm làm, vì bị cáo chỉ là chi nhánh không phải là tổng công ty”, Trường khai.

Tuy nhiên theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, trong vụ án này bị cáo Trường đã giúp sức cho Đức quản lý sổ sách, ghi chép số lượng, liên hệ khách hàng để bán xăng nhập lậu cho Đức. Ngoài ra, VKSND tỉnh Đồng Nai cũng công bố bút lục lời khai trước đó của Trường có đoạn nêu: “Bản thân tôi biết số xăng này là xăng nhập lậu mang về để bán cho khách hàng”.

Tương tự, bị cáo Phan Trung Hiếu là kế toán thuộc chi nhánh Công ty Dầu khí Vượng Đạt tại tỉnh Khánh Hòa. Hiếu chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa tàu Khánh Hòa 1, Khánh Hòa 3, đồng thời còn có trách nhiệm chỉ đạo bị cáo Trương Công Tiến (nhân viên chi nhánh Công ty Dầu khí Vượng Đạt tại tỉnh Khánh Hòa) đi nhập xăng từ tàu Pacific Ocean.

Đại án xăng lậu: Nhiều bị cáo khẳng định làm thuê ăn lương, xin bỏ tiền lương ra khỏi khoản thu bất chính - Ảnh 4.

Kiểm tra chất lượng xăng trong đại án. Ảnh: Nha Mẫn

Không dừng lại ở đó, Hiếu và Tiến cùng góp vốn 4,7 tỷ đồng để mua xăng của Đức về bán lại cho khách hàng (Hiếu đã thu lợi 120 triệu đồng, Đức thu lợi 80 triệu đồng).

Lương không phải là khoản thu bất chính?

Hai bị cáo Tiến và Hiếu cho rằng ban đầu không biết việc mua bán xăng lậu, nhưng sau khi nghe cơ quan điều tra giải thích đã đồng ý với hành vi phạm tội theo cáo trạng truy tố.

Cả hai khai bản thân chỉ là người làm thuê và hưởng lương hàng tháng, nhưng quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định số tiền lương này đều được xác định là số tiền thu lợi bất chính.

“Tiền lương là số tiền các bị cáo phải bỏ công sức ra làm việc nuôi sống gia đình và là nguồn thu nhập hợp pháp. Do đó, lương lại bị đưa vào tiền thu lợi bất chính là không đúng, vì vậy bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền thu lợi bất chính chỉ là khoản tiền thưởng, tiền góp vốn mua xăng bán lại và lời, tiền chênh lệch thuê tàu, còn lương là các bị cáo xứng đáng được hưởng”, hai bị cáo nêu.

Trước đề nghị của các bị cáo, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giải thích, mặc dù các bị cáo được thuê làm nhưng lại làm việc bất chính nên tiền lương và tất cả các khoản tiền nhận được trong quá trình phạm tội đều được xem là thu lợi bất chính.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem