Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 28/08/2023 17:53 PM (GMT+7)
Thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị, chất lượng nước cấp cho người dân cần được quản lý và giám sát chặt chẽ.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình, chiều 28/8 hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4 tiếp tục xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý "động và mềm"; bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt.

Đề nghị giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: QH

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bổ sung riêng một Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình, giải pháp phi công trình; bổ sung quy định dự báo khí tượng, thủy văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 dự thảo Luật. Còn các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.

Có ý kiến cho rằng việc cấp nước cho sinh hoạt cần quy định sát thực tiễn, ngoài những nhà máy nước tập trung thì vẫn phải kết hợp với những trạm cấp nước quy mô nhỏ để đảm bảo phù hợp điều kiện ở nông thôn; tách hai chủ thể khai thác và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán tại khoản 3 Điều 44 và tách riêng nội dung quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật.

Đề nghị giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt. Ảnh: QH

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân ở vùng lũ…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị bổ sung quy định về nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt.

"Cần xem xét, bổ sung việc giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung", đại biểu Hà nhấn mạnh.

Đề nghị giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị giám sát chất lượng nguồn nước tại các cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) cho biết, dự thảo Luật đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: Giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại chưa hề có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đề cập quy định việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn hệ sinh thái, tôn trọng tự nhiên và bảo vệ sinh thái tự nhiên.

"Nếu như chúng ta tiếp tục cho phép chuyển nguồn nước dù có kiểm soát thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong lưu vực sông. Do đó, cần cấm hẳn việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào Luật", đại biểu Lâm nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem