Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng an ninh cơ sở

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 28/08/2023 12:24 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao.
Bình luận 0

Sáng 28/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quy định chế độ bồi dưỡng, tránh sự so bì

Góp ý về dự án luật, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng an ninh cơ sở - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QH

Theo ông Hoà, mặc dù dự thảo Luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ông liệt kê, ngoài lương, lực lượng này còn còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các có thẩm quyền. Do vậy, đây sẽ là con số chi khá lớn.

"Lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng "phần cứng" thì "phần mềm" cũng được bồi dưỡng rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi Luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương", theo đại biểu Phạm Văn Hòa.

Ông Hoà đặt vấn đề, lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng lại không có chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Vậy "lực lượng dân quân tự vệ cũng hoạt động giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ như thế nào?", ông băn khoăn.

Cho rằng như vậy có sự bất cập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên cân nhắc lại nội dung này, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự so bì ở địa phương. Đồng thời đề nghị cân nhắc chế độ cho 6 nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã, quy định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để không gây khó cho địa phương khi thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý về quy định tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đề nghị cần quy định cụ thể khung tối thiểu của độ tuổi tham gia.

Đề xuất gộp 3 lực lượng thành 1 lực lượng chung

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay lực lượng đảm bảo an ninh trật tự chính ở cơ sở là công an chính quy cấp xã. Tuy nhiên, khối lượng công việc đang được giao và sắp tới sẽ được giao đối với công an cấp xã là khá lớn. Do đó, nếu có thể xây dựng được một lực lượng được bồi dưỡng, huấn luyện bài bản nhằm hỗ trợ công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ được giao sẽ góp phần san sẻ áp lực với lực lượng này.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng an ninh cơ sở - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

Theo quy định của dự thảo Luật và theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, sau khi luật ban hành, các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang sử dụng hiện nay sẽ được kiện toàn, thống nhất thành một lực lượng chung, riêng lực lượng dân phòng vẫn hoạt động theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy và khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có sự trùng lắp, đều có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo. Đồng thời điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng an ninh cơ sở - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH

Trước đó, trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời đề nghị tiếp thu vào dự thảo Luật về các nội dung thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã và một số lực lượng hiện có ở cơ sở, làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an...

Liên quan đến nội dung về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem