Đại biểu Quốc hội giám sát lời nói của Chủ tịch Hà Nội về chợ Trời

Thứ năm, ngày 25/02/2016 07:31 AM (GMT+7)
Bà Bùi Thị An khẳng định sẽ giám sát lời khẳng định của Chủ tịch Hà Nội trên báo chí về việc "kiên quyết dẹp bỏ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tại chợ Trời".
Bình luận 0

Liên quan đến loạt bài trộm phụ tùng ôtô tung hoành trên phố đăng trên Zing.vn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An cho rằng, nếu không dẹp được nạn mất cắp gương, phụ tùng người dân sẽ sống rất bất an.

Về việc này, chính quyền và Công an quận Hai Bà Trưng nói, sau chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội, các cơ quan đã vào cuộc kiểm tra quyết liệt hoạt động kinh doanh tại đây.

Có thế lực "chống lưng" ở chợ Trời?

Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, UBND quận này đã yêu cầu công an quận phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh hàng cũ, không rõ nguồn gốc ở khu vực chợ Trời.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hộ vi phạm và đã xử phạt hành chính. Vị chủ tịch quận khẳng định, lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại chợ Trời.

Còn theo thượng tá Nguyễn Thành Tín - Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, lực lượng công an của quận đã và đang họp bàn với quản lý thị trường tìm ra giải pháp xử lý khu vực chợ Trời sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.

"Chúng tôi đang bàn bạc để lên phương án xử lý triệt để và làm rất quyết liệt", thượng tá Tín khẳng định.

Cũng theo ông Tín, các phương án đưa ra phải hài hòa, không ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh nơi đây phải thực hiện cam kết kinh doanh đúng pháp luật.

"Siết chặt quản lý ở chợ Trời là việc phải làm để đảm bảo an ninh trật tự và tránh những bức xúc của người dân. Khi có phương án giải quyết cụ thể chúng tôi rẽ công bố rộng rãi", ông Tín nói. Tuy nhiên, ông phó trưởng công an quận chưa đưa ra thời gian chốt phương án.

Nói về việc, có hay không ai đó "chống lưng" cho một số kẻ mua bán đồ gian tại chợ Trời, ông Tín thẳng thắn: "Có thông tin như vậy nhưng cần phải xác minh. Nếu có chúng tôi sẽ đề xuất xử lý người "chống lưng" theo quy định pháp luật".

img

Một số phụ tùng ôtô không nguồn gốc bị thu giữ ở chợ Trời. Ảnh: Tùng Lâm

Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, lâu nay nạn ăn cắp phụ tùng ôtô gây nhức nhối cho người dân và du khách. Nếu không dẹp được nạn mất cắp gương, phụ tùng người dân sẽ sống rất bất an.

Không đồng tình với một số ý kiến là nên dẹp bỏ chợ Trời, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Quản lý diễn đàn otofun nhìn nhận khu chợ này xuất phát là nơi mua bán đồ cũ, là nơi mưu sinh của những gia đình, bà con tiểu thương chân chính. Đây cũng là điểm phục vụ tốt những ai có nhu cầu mua sắm trang thiết bị cũ cần thiết nhưng tiền bạc chưa rủng rỉnh.

"Biện pháp quan trọng nhất là chính quyền nên làm chặt, nghiêm khắc với việc buôn bán hàng ăn cắp, hàng lậu. Các hãng ôtô cần chung tay với người tiêu dùng để áp dụng giá ưu đãi cho những phụ kiện dễ bị mất cắp. Khi đó, tôi tin "đất sống" cho những tên trộm cắp sẽ không còn", ông Thắng nói.

"Người ta tới Hà Nội làm việc, tiếp khách, ngoại giao. Nếu chỉ đỗ xe vào cuộc họp rồi ra lại mất gương xe ôtô, tiếng xấu của Hà Nội sẽ lan truyền. Người ta không thể nào yên tâm để làm việc, hình ảnh của Hà Nội sẽ đi xuống", bà An nói.

"Đã nói ra phải làm được. Bởi dẹp được các hàng hóa không rõ nguồn gốc tại chợ Trời, chính là dẹp được nơi tiêu thụ hàng ăn cắp, ăn trộm. Việc này cũng là chặn đường sinh sống của chính những kẻ bất lương, lười lao động. Tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện tuyên bố của Chủ tịch Hà Nội", đại biểu An nhấn mạnh.

Bà An cũng cho rằng, không nên võ đoán tất cả hàng hóa tại chợ Trời đều là gian, có nguồn gốc bất minh. Nhưng nên cho các cửa hàng tại đây cam kết không tiêu thụ đồ gian. Cam kết rồi mà vẫn vi phạm thì phải đình chỉ kinh doanh.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh phân tích, việc các cá nhân, tổ chức buôn bán, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa có biểu hiện nghi vấn (hàng hóa là đồ vật do phạm tội mà có) đang là một vấn đề hết sức nổi cộm tại các địa phương, đặc biệt là khu vực chợ Trời (Hà Nội). Tuy nhiên, để phân loại được đâu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và đâu là đồ vật, hàng hóa do phạm tội mà có thì lại phải phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chứng minh của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc chứng minh những hàng hóa, đồ vật như: Cần gạt nước, lazăng ôtô, gương chiếu hậu … là đồ vật do phạm tội mà có là hết sức khó khăn. Bởi nếu nói nó là "sản phẩm" của hành vi trộm cắp thì việc đầu tiên phải chứng minh được ai là người đã trộm cắp đồ vật đó? Và người mua đồ vật đó pháp luật có bắt buộc họ phải biết đó là đồ vật do trộm cắp mà có, trong khi nó không phải là tài sản phải đăng ký khi giao dịch hay không?

"Tôi cho rằng, những khó khăn trong việc xác định đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang là một rào cản lớn để có thể xử lý triệt để và tiến tới xóa bỏ hành vi này trong đời sống xã hội", luật sư Tuấn Anh chia sẻ.

Để hạn chế tiến tới xóa bỏ hành vi vi phạm này, bên cạnh việc thắt chặt các biện pháp trấn áp tội phạm liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu, thì các cơ quan chức năng cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng này viết cam kết không tiêu thụ đối với các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ và đồ vật, hàng hóa nghi là do các hành vi phạm pháp mà có. Điều 250, Bộ luật Hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định việc này rất rõ.

Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì những cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với hàng hóa nêu trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều luật nêu trên.

img

Chiếc Mercedes - Benz C250 bị trộm cặp gương ở Hà Nội hôm mùng 4 Tết Bính Thân. Ảnh: Đặng Hữu Đạt

Trao đổi với Zing.vn, một đại lý kinh doanh xe sang ở phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần dẹp bỏ các cửa hàng kinh doanh không rõ nguồn gốc, đầu mối tiêu thụ đồ ăn cắp thì vấn nạn trộm cắp phụ tùng ôtô chắc chắn sẽ thuyên giảm.

Nói về vấn nạn trộm cắp gương, logo và phụ kiện xe gây bức xúc dư luận thời gian qua, đại diện Ford Việt Nam chia sẻ rằng có lẽ chỉ ở Việt Nam mới xảy ra việc này.

Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đều kiến nghị những nhà lãnh đạo và cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đảm bảo trật tự xã hội và tạo môi trường kinh doanh trong sạch, đúng pháp luật, hòa nhập với sân chơi toàn cầu.

Thắng Quang - Công Khanh - Nguyễn Hân (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem