5 năm trước tại Hà Nội từng rộ lên tình trạng kẻ gian kê gạch đánh cắp lốp ôtô nhưng sớm hạ nhiệt, bởi lấy bánh xe cần nhiều thời gian, cồng kềnh và dễ bị phát hiện. Còn nạn vặt gương, cạy logo, cần gạt nước ngày càng gia tăng vì loại phụ tùng này dễ lấy, dễ bán, dễ cất giấu.
Đến chợ Trời là có
Chưa khi nào các lực lượng chức năng Hà Nội vào cuộc quyết liệt như những ngày qua để truy bắt các băng nhóm trộm cắp, tiêu thụ phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, nhiều người cho rằng cần "xóa xổ" các hộ, cá nhân tổ chức mua bán phụ tùng ôtô trôi nổi, tiêu thụ đồ trộm cắp... ở chợ Trời.
Là nạn nhân trong các vụ mất đồ, anh Thanh (34 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã hơn chục lần phải đến chợ này để hỏi mua gương, logo, ốp lazăng, gạt nước.
Logo gắn camera lùi được một bị hại mua ở chợ Trời. Ảnh: Otofun
Thanh kể, 3 năm trước vợ chồng anh đi 2 chiếc Mercedes hiệu C250 và GLK. Thời điểm đó họ liên tục bị trộm vặt phụ tùng.
"Đỗ xe trong sân chung cư có bảo vệ cũng bị cạy gương, để trước cổng cơ quan cũng gặp nạn vài lần", bị hại chia sẻ.
Trong số hơn chục vụ bị mất cắp phụ tùng, chủ xe 34 tuổi bảo nhớ nhất lần vợ anh bị kẻ gian cạy gương ngay trước mặt. Sự việc xảy ra năm 2014, khi vợ anh Thanh điều khiển chiếc Mercedes C250 từ nhà đến công ty.
"Vợ tôi đang ngồi trên xe nghe điện thoại thì một thanh niên đi môtô áp sát, miết mất mặt gương bên lái rồi chạy thoát. Bà xã đứng tim và không kịp tri hô", viên chức nhà nước kể.
Câu chuyện sau đó được khổ chủ kể cho nhiều người chơi xe nghe. Họ phán đoán tội phạm có thể dùng băng dính 2 mặt loại dày, to bản để mút mặt gương.
Mất phụ tùng ôtô nhiều nhưng bị hại chỉ một lần đánh xe tới hãng thay đồ do giá quá đắt. "Mặt gương chiếc GLK hãng báo giá 16 triệu đồng chưa thuế, trong khi tôi mua ngoài chợ Trời chỉ 3 triệu", chủ xe lý giải.
Sau vài chuyến tự lái xe đi mua đồ trôi nổi, anh Thanh đã biết một số mánh nên rất dễ mua được đồ ở chợ Trời. Anh nói, có lần thợ còn mang đến tận nhà lắp đặt.
Campuchia không có nạn trộm phụ tùng vì sao?
"Họ để xe ngoài đường là chủ yếu. Khi hỏi người dân cho biết kẻ trộm có ăn cắp cũng không bán được cho ai vì cửa hàng ghét nhất là dân ăn trộm, thậm chí có kẻ mang phụ tùng ăn trộm tới bán họ còn gọi báo cảnh sát để bắt. Mặt khác các cửa hàng kinh doanh đồ cũ không có nguồn gốc rõ ràng bị phạt rất nặng. Tại sao Việt Nam không học tập Campuchia?", bạn đọc Son chia sẻ trên Zing.vn.
Campuchia không có nạn trộm phụ tùng vì sao?
"Họ để xe ngoài đường là chủ yếu. Khi hỏi người dân cho biết kẻ trộm có ăn cắp cũng không bán được cho ai vì cửa hàng ghét nhất là dân ăn trộm, thậm chí có kẻ mang phụ tùng ăn trộm tới bán họ còn gọi báo cảnh sát để bắt. Mặt khác các cửa hàng kinh doanh đồ cũ không có nguồn gốc rõ ràng bị phạt rất nặng. Tại sao Việt Nam không học tập Campuchia?", bạn đọc Son chia sẻ trên Zing.vn.
|
Trong khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang tìm cách giải quyết triệt để một số hộ dân kinh doanh đồ trôi nổi thì trên mạng xã hội hay các diễn đàn ôtô, nhiều người đã kêu gọi: "Hãy tẩy chay đồ trộm cắp".
Đây cũng là khẩu hiệu mà nhiều thành viên diễn đàn ôtô ở Hải Phòng phát động nhằm đối phó với nạn trộm cắp phụ tùng đang tung hoành ở thành phố cảng. Một quản trị diễn đàn ôtô tại Hải Phòng cho biết dịp Tết vừa qua khoảng 50 thành viên trong nhóm báo bị trộm phụ tùng ôtô, chủ yếu là gương.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Khánh (40 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở quận An Dương, Hải Phòng) kể, sáng 17.2, người đàn ông này đỗ chiếc Fortuner trước cửa công ty để vào trong giải quyết công việc. 15 phút sau quay ra ra, anh phát hiện mặt gương bên lái chiếc xe 7 chỗ bị kẻ gian bóc mất.
Gắn gương cá nhân làm gương xe ôtô là biện pháp mà nhiều chủ xe thực hiện sau khi mất đồ.
"May tôi ra kịp thời chứ ở lâu trong xưởng lát nữa khéo mất luôn cả mặt gương bên trái", vị giám đốc doanh nghiệp nói.
Do có việc gấp cần dùng xe nên anh Khánh phải nhờ người đi mua giúp cho chiếc gương tròn cầm tay, rồi lấy băng dính dán vào phần củ gương để đi lại. Sau khi đăng hình chụp chiếc gương tự chế lên mạng xã hội, anh Khánh được bạn bè mách ra chợ phụ tùng ôtô ở đường Tô Hiệu, Hải Phòng (giống như chợ Trời ở Hà Nội) mua thay thế nhưng vị giám đốc từ chối.
"Tôi thà chi nhiều tiền hơn để thay đồ chính hãng còn hơn ra chợ mua gương trôi nổi. Làm vậy chẳng khác nào tiếp tay cho kẻ gian", anh Khánh nói và cho biết sẽ sử dụng chiếc gương tự chế trong một vài ngày. Dù khó quan sát nhưng theo anh Khánh, đó là cách kêu gọi mọi người trong diễn đàn ôtô ở Hải Phòng cảnh giác phòng ngừa và không tiếp tay cho tội phạm cũng như người mua bán phụ tùng trộm cắp.
Cùng chung quan điểm, anh Hải (chủ chiếc Audi TT) bị vặt 2 cụm gương trị giá 46 triệu nói rằng sẽ không tiếp tay cho tội phạm qua việc tìm phụ tùng không rõ nguồn gốc ở chợ Trời. Sau khi tìm hiểu trên mạng, anh Hải đặt mua 2 cụm gương đã qua sử dụng từ Đức về Việt Nam với chi phí tổng cộng 10 triệu đồng - thấp hơn giá sản phẩm tương tự bán trong nước.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ôtô ở chợ Trời sau Tết Bính Thân. Ảnh: Tùng Lâm
Còn độc giả TPQ chia sẻ trên Zing.vn rằng, anh cũng là nạn nhân của kẻ gian lấy trộm gương xe ôtô. Dù đã trình báo lên công an nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
"Theo tôi, khi anh em mất đồ thì nhất quyết không mua đồ ăn cắp ở chợ Trời. Còn các cơ quan quản lý nhà nước phải quyết liệt để giải quyết triệt để vấn nạn này như: yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ này cam kết không mua đồ ăn trộm; quản lý thị trường kiểm soát thường xuyên, thu giữ ngay những phụ tùng không có nguồn gốc xuất xứ, chứng từ rõ ràng; công an thì tích cực vào cuộc điều tra để bắt những kẻ ăn trộm...", TPQ viết.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Việt Đức - Tùng Lâm (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.