Tiêu thụ của gian ở chợ Trời có thể bị phạt tù 15 năm

Đức Minh Thứ năm, ngày 18/02/2016 00:03 AM (GMT+7)
Bộ Luật Hình sự quy định, người phạm tội "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có thể nhận hình phạt 15 năm tù, tịch thu toàn bộ tài sản.
Bình luận 0

Vừa qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô ở chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng, khu chợ thường được gọi là chợ Trời), qua đó phát hiện thu giữ nhiều sản phẩm phụ tùng ôtô đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc.

Chợ Trời được biết đến là “thủ phủ” cung cấp linh kiện cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô với nhiều mặt hàng cũ, mới khác nhau. Đây cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm trộm cắp từng bị lực lượng chức năng triệt phá.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh) cho biết, theo điều 250 – Bộ Luật Hình sự, người phạm tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có thể nhận hình phạt cao nhất là 15 năm tù, tịch thu toàn bộ tài sản.

“Theo điều 250, Bộ Luật Hình sự, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn (từ 500 triệu trở lên) hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn (từ 100 triệu đồng trở lên) thì người phạm tội có thể bị phạt tù 15 năm.

Ngoài việc phạt tù, người phạm tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 13 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

img

Tiêu thụ tài sản trộm cắp có thể bị xử tù và tịch thu tài sản. (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì những cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với hàng hóa nêu trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.

Luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá, việc các cá nhân, tổ chức buôn bán, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa có biểu hiện nghi vấn (hàng hóa là đồ vật do phạm tội mà có) đang là một vấn đề nổi cộm.

Tuy nhiên, để phân loại được đâu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và đâu là đồ vật, hàng hóa do phạm tội mà có thì phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chứng minh của các cơ quan có thẩm quyền.

“Việc chứng minh những hàng hóa, đồ vật như cần gạt nước, lô gô, gương ô tô…. là đồ vật do phạm tội mà có rất khó khăn. Bởi nếu nói nó là “sản phẩm” của hành vi trộm cắp thì việc đầu tiên phải chứng minh được ai là người đã trộm cắp đồ vật đó? Và người mua đồ vật đó pháp luật có bắt buộc họ phải biết đó là đồ vật do trộm cắp mà có, trong khi nó không phải là tài sản phải đăng ký khi giao dịch”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý) đánh giá, để xử lý người tiêu thụ tài sản phạm pháp vi phạm, cơ quan chức năng phải chứng minh được ý thức chủ quan người mua là biết sản phẩm họ mua là sản phẩm phạm pháp nhưng vẫn cố tình tiêu thụ, chứa chấp.

“Việc chứng minh người mua cố tình tiêu thụ sản phẩm cũ ví dụ như gương, lô gô xe ô tô sẽ khó khăn vì đây là sản phẩm không phải đăng ký.

Người mua cũng khó có căn cứ để phân biệt chiếc gương, lô gô cũ có phải là vật phạm pháp hay không bởi đối tượng trộm cắp không bao giờ nói đó là vật trộm cắp. Vì vậy, ý thức của người mua rất quan trọng, nếu nhận thấy dấu hiệu sản phẩm có dấu hiệu trộm cắp thì không nên mua để tránh tiếp tay cho tội phạm”, luật sư Kiên nói.

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, nếu người mua hứa hẹn trước với kẻ trộm về việc sẽ tiêu thụ giúp tài sản trộm cắp được thì sẽ bị xử lý về tội trộm cắp với vai trò là đồng phạm.

Về việc ngăn chặn loại tội phạm chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp trấn áp tội phạm, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh cam kết không tiêu thụ đối với các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ và đồ vật, hàng hóa nghi phạm pháp mà có.

Những trường hợp cố tình vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm để làm gương. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ đối với tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem