Đại biểu Quốc hội nghi có lợi ích nhóm trong soạn thảo luật

Thứ ba, ngày 27/05/2014 08:51 AM (GMT+7)
Ngày 26.5, Quốc hội thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Bình luận 0
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Việc xây dựng luật phải tránh rơi vào tình trạng “3 không”: Không để xảy ra tình trạng luật bất thành văn; không gây áp lực với Chính phủ, Quốc hội; không để cử tri lo lắng. Đồng thời phải quan tâm, chú trọng tới “3 ưu tiên” là: Xây dựng luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; tạo đột phá về thể chế; đủ điều kiện theo quy định”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho biết: “Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vẫn diễn ra. Nhiều luật không có tính khả thi và cần xác định rõ”. Ông Hà cũng thẳng thắn cho rằng: “Công tác soạn thảo luật còn có biểu hiện lợi ích nhóm; có văn bản còn vi phạm quyền công dân, quyền doanh nghiệp, tạo ra cơ chế xin-cho.

Đồng tình các ý kiến này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) khẳng định số lượng luật Quốc hội phải thông qua là quá lớn, một số dự án luật không mang tính cấp bách thì nên kiên quyết không đưa vào chương trình bổ sung, đồng thời cần đổi mới cách xây dựng luật để mang tính chủ động hơn.

Đại biểu Nam cũng khẳng định: “Quốc hội nên sớm xem xét, xây dựng Luật Biểu tình vì đó là quyền cơ bản của công dân. Dự án Luật Biểu tình đến nay đã được xây dựng và được trình. Nếu ban hành được Luật Biểu tình thì sẽ có nhiều mặt có lợi”.

Ngày 26.5, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Về việc bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, ủy ban tán thành với tờ trình của Chính phủ.

Việc đưa nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hiện nay tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức thấp, do đó cần phải tạo điều kiện để nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc.
Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem