Đại biểu Quốc hội nói 3 kỳ họp vẫn phải ăn thịt heo đắt, thực tế giá heo hơi giờ ra sao?
Đại biểu Quốc hội nói 3 kỳ họp vẫn phải ăn thịt heo đắt, thực tế giá heo hơi giờ ra sao?
Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 04/11/2020 16:23 PM (GMT+7)
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, có đại biểu Quốc hội nói, đã qua 3 kỳ họp Quốc hội nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá đắt dù đã có nhiều giải pháp để tái đàn, tăng đàn. Vậy giá heo hơi giờ ra sao?
Cụ thể, theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), có một vấn đề cử tri hết sức quan tâm về mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa ng ười sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã hết sức tích cực trong việc giải quyết mối quan hệ này nhưng kết quả cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.
Người sản xuất, người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi, trong khi đó lợi nhuận ở khâu kinh doanh còn quá cao.
"Điển hình, giá heo hơi khi đại biểu Quốc hội có ý kiến nghị trường, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ NNPTNT cũng đã tích cực vào cuộc nhưng đã 3 kỳ họp rồi vẫn chưa giải quyết được vấn đề về giá. Người dân phải còn phải tiêu thụ giá thịt cao ngất ngưởng" - đại biểu Lưu Thành Công nói.
Theo đại biểu Lưu Thành Công giá heo hơi chưa giảm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân, nhất là những người có thu nhập thấp.
Thực tế, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nhờ tích cực thực hiện các biện pháp tái đàn, tăng đàn, giá heo hơi thời gian qua đã có xu hướng giảm.
Trong tháng 10/2020, giá heo hơi trong nước có nhiều biến động, giá có xu hướng giảm trong 23 ngày đầu tháng, sau đó tăng trở lại trong bối cảnh mưa bão dồn dập tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, so với cuối tháng 9/2020, giá heo hơi giảm khoảng 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Hiện giá heo hơi trung bình trên cả nước dao động trong khoảng 66.000 - 78.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đợt lũ lụt vừa qua, 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng tại khu vực miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại khoảng 50.000 con lợn, lượng lợn bị thất thoát trong lũ không đáng kể so với tổng sản lượng của cả nước, chỉ chiếm khoảng 0,2%.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá heo hơi trong khu vực bị ảnh hưởng có thể tăng bởi tình hình mưa bão vẫn tiếp tục hoành hành tại khu vực này.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, cần đề phòng khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ bùng phát trở lại.
Thời gian qua, để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung, Việt Nam đã đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 90.420 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 214,78 triệu USD, tăng 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019
Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo mới công bố của USDA, sản lượng thịt lợn của Việt Nam trong năm 2020 dự báo sẽ đạt 2,24 triệu tấn, giảm gần 6% so với năm 2019.
Tuy nhiên, sản lượng thịt lợn được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021, đạt 2,35 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2020.
Tiêu thụ thịt lợn cũng dự kiến phục hồi trong năm 2021, đạt 2,49 triệu tấn, tăng so với mức 2,39 triệu tấn của năm 2020.
Theo USDA, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích người tiêu dùng tăng tiêu thụ thịt gia cầm để giảm áp lực lên ngành chăn nuôi lợn và điều này sẽ giúp tăng trưởng quy mô chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
USDA dự báo quy mô chăn nuôi gia cầm của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 505 triệu con, tăng 5% so với năm 2019 và trong năm 2021 đạt 515 triệu con, tăng 2% so với năm 2020. Tuy nhiên, những người chăn nuôi gia cầm cần thận trọng mở rộng sản xuất bởi có thể dẫn tới rủi ro dịch bệnh và giá thịt gia cầm giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.