Đại biểu Quốc hội: "Ý tưởng xây dựng Nhà hát các dân tộc cạnh Nhà hát lớn thiếu tính thuyết phục"
Đại biểu Quốc hội: "Ý tưởng xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam cạnh Nhà hát Lớn thiếu tính thuyết phục"
Quỳnh Nguyễn
Thứ bảy, ngày 27/05/2023 13:40 PM (GMT+7)
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ về việc Bộ này đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thẳng thắn bày tỏ ý kiến "không ủng hộ".
Mới đây, thông tin Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng chia sẻ bên hành lang Quốc hội về việc Bộ này đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn, việc này nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với báo chí, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá. Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát này ở phía sau Nhà hát Lớn. Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí này sẽ tạo ra dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch và có thể giúp kinh tế của Hà Nội phát triển.
Trước đó 3 tháng, Bộ VHTTDL được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam. Báo cáo này cần trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
"Bộ VHTTDL đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn, nhưng lực cản lớn nhất là giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về thông tin chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) khẳng định "muốn xây dựng cái gì, đặc biệt là những công trình công cộng phải theo quy định, quy hoạch, không thể tự nhiên đưa ra những ý tưởng thiếu tính thuyết phục như vậy".
Ông An cho biết ông mới chỉ tiếp nhận thông tin về Nhà hát qua báo chí, ông băn khoăn "không biết căn cứ vào đâu mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL lại nói nội dung đó". Theo ông An, đến thời điểm này chúng ta phải tính toán đầy đủ các yếu tố liên quan đến quy hoạch, hạ tầng. Để xây dựng thêm Nhà hát thì các cơ quan quản lý về xây dựng, đô thị phải có ý kiến.
"Nhà hát Lớn là một công trình di tích cần được bảo vệ theo luật di sản, chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi đưa ra những thông tin như vậy", ông An nêu quan điểm.
Vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra thực tế, để xây dựng một Nhà hát không phải chỉ có quy mô vài chục ghế, trong khi đó hiện nay quỹ đất khu vực quanh Nhà hát Lớn cũng không còn.
Nói thêm về chỉ đạo của Ban Bí thư về việc di dời các cơ quan nhà nước, trụ sở doanh nghiệp ra khỏi nội đô, đại biểu Trịnh Xuân An đồng tình và cho rằng Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan, nhất là trong thành phố lớn cần rà soát lại nội dung này một cách minh bạch. Bằng mọi giá phải làm được các công trình tiện ích công cộng. Đặc biệt, phải có đánh giá rất kỹ lưỡng, xây các công trình công cộng nào là phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đô thị, thành phố.
Ông An lo ngại, nếu không rõ ràng câu chuyện quy hoạch thì sẽ dễ đi vào vòng luẩn quẩn di dời được cơ quan ra ngoài thì lại mọc lên trung tâm thương mại, trở thành điểm nghẽn cho đô thị.
Riêng với công trình Nhà hát các dân tộc Việt Nam đang được nhắc tới, ông An cho rằng, có thể làm nhà hát nhưng không nhất thiết phải làm ở cạnh Nhà hát Lớn.
"Việc xây dựng thêm một Nhà hát bên cạnh Nhà hát Lớn, tôi chưa hình dung ra được. Về việc này quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ. Chúng ta phải ủng hộ câu chuyện cần phải có những thiết chế công cộng, nhất là nhà hát, thư viện, công viên... nhưng không phải cứ thích làm ở đâu thì làm, nó phải phù hợp và khả thi, nhất là chúng ta phải thực hiện đúng quy định của pháp luật", ông An bày tỏ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, khó có thể đưa ra đánh giá chính xác về đề xuất của Bộ trưởng Bộ VHTTDL là làm được hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc có không gian văn hoá trên địa bàn TP.Hà Nội cho các dân tộc là cần thiết.
"Chúng ta có một Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam trên Hòa Lạc. Ngay trên địa bàn Thủ đô cũng có một không gian văn hóa, đó là Bảo tàng dân tộc học. Chúng ta phải tính đến không gian để cho những hoạt động văn hóa được diễn ra.
Tôi nghĩ không phải chỉ để đáp ứng yêu cầu của người dân mà điều đó, thực sự mang lại sự phát triển cho Thủ đô. Vấn đề là chúng ta phải tìm được không gian cho phù hợp", ông Cường nhìn nhận.
Theo ông Cường, vị trí đó phải phù hợp với tư duy logic về văn hóa, hoạt động văn hóa khi tổ chức tại sao phải diễn ra tại đó, chứ không phải tự nhiên ta xây dựng một nhà hát, xây dựng một trung tâm biểu diễn ở bất kỳ vị trí nào.
"Khi đã có tư duy logic thì phải tính toán đến tính chất bền vững sự phát triển của không gian đó, chứ không phải là nhất thời. Tôi cho rằng vị trí xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam cần tính toán kỹ", ông Cường nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.