Đại biểu xót xa khi “dự án trùm mền” khắp cả nước, hàng trăm nghìn căn hộ bỏ trống “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Đại biểu xót xa khi “dự án trùm mền” khắp cả nước, hàng trăm nghìn căn hộ bỏ trống “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Nguyễn Tuyền
Thứ hai, ngày 04/11/2024 12:15 PM (GMT+7)
Xót xa trước tình trạng lãng phí nguồn lực toàn xã hội, của doanh nghiệp, của Nhà nước, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng, lãng phí là “lực cản” để đưa đất nước đến hùng cường, đưa nhân dân ta đến ấm no, hạnh phúc.
Tiếp tục phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 sáng nay tại Hội trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh đến những thành tích của kinh tế xã hội năm 2024, dấu ấn quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.
Ông Nguyễn Hữu Thông cho biết, trong bối cảnh thế giới phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, sự đồng hành của doanh nghiệp nên kết quả đạt được đáng khích lệ.
“GDP tăng trưởng ước tính khoảng 6,8% đến 7%/năm 2024, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra 6-6,5%, thuộc nhóm ít quốc gia có tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn đảm bảo”, ông Thông nói.
Theo Đại biểu đoàn Bình Thuận: Các lĩnh vực văn hóa xã hội, chính sách an sinh được hỗ trợ, công tác đối ngoại quốc phòng an ninh được nâng cao. Ông Thông khẳng định, đối ngoại cấp cao được chủ động, là điểm sáng trong rất nhiều điểm sáng của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhìn nhận lại kết quả trên đã phát huy hết tiềm năng của đất nước, nhân dân, đã đáp ứng được mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay chưa?. Ông Thông khẳng định: “Theo tôi là chưa!”.
Ông Thông đánh giá và nhất trí với thách thức mà Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong bối cảnh hiện nay và các giải pháp trong thời gian tới và đưa vấn đề lãng phí.
“Lãng phí là vấn đề không mới, vì hàng năm đều được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, hiện nay nó là vấn đề mang tính thời sự vì kìm hãm phát triển, là lực cản của đất nước hùng cường, đưa nhân dân ta ấm no, hạnh phúc”, ông Thông đánh giá.
“Lãng phí ở đây là lãng phí của cải xã hội, lãng phí ở các “dự án trùm mền” đang diễn ra trên phạm vi cả nước”, ông đau xót nêu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông khẳng định: “Có thể chúng ta chưa có số liệu chính thức về lãng phí, nhưng tôi nghĩ con số lãng phí là hàng trăm nghìn tỷ đồng, đó là con số về tài chính, nhưng còn có lãng phí về nguồn lực đất đai, chi phí đất nước và lãng phí về chi phí cơ hội không gì đo đếm hết được. Đó là lãng phí niềm tin của nhân dân”.
Rào cản, thủ tục khiến doanh nghiệp Việt... "chậm lớn"
Về nguyên nhân, theo Đại biểu Thông: “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng xuất phát từ yếu tố nào đi nữa, từ Nhà nước, từ nhà đầu tư, doanh nghiệp… thì đây vẫn là của cải của đất nước, của nhân dân phải được tháo gỡ”.
Theo ông này, việc Quốc hội, Chính phủ có chủ trương bàn về giải pháp tháo gỡ các dự án vướng mắc trong các phiên họp gần đây là quan điểm đồng hành, kiến tạo cho phát triển của đất nước. Nhưng theo ông này, đây không phải là quan điểm “hợp thức hóa sai phạm”.
Ông Thông cho biết, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội xem xét nhiều nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư, xem xét đối với các kết luận Thanh tra dự án ở Tp.HCM và Đà Nẵng thể hiện quan điểm tháo gỡ các vướng mắc để tạo cơ hội cho phát triển.
Tôi rất mong tiếp tục rà soát dự án, công trình vướng mắc hiện nay. Các dự án qua thanh tra, điều tra, chậm do triển khai văn bản chưa đồng bộ. Có thể ban hành cơ chế đặc thù cho các dự án, địa phương để nhân rộng, phát triển đất nước.
Liên quan đến vấn đề gỡ vướng cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục ý chí kinh doanh của doanh nhân, Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho biết: Môi trường kinh doanh của chúng ta đã thông thoáng hơn nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền ngay từ khi khởi nghiệp đó là điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi.
“Tình trạng này tạo ra nhiều rào cản, phát sinh thủ tục cấp phép có điều kiện, phát sinh chi phí phi chính thức, dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh gây lãng phí nguồn lực và cơ hội kinh doanh”, ông Tân nói.
Theo Đại biểu Tân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia, nhiều sản phẩm được áp dụng điều kiện kinh doanh có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, không phù hợp. Thay vì ban hành điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp.
Ông Lã Thanh Tân yêu cầu, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh mà không được quy định bởi các quy định pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.