Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không lo sợ trước đe dọa của Mỹ.
"Chúng tôi đang bắt đầu rút quân khỏi Syria và đồng thời từ các điểm khác nhau giáng những đòn mạnh vào những gì còn sót lại của Nhà nước Hồi giáo*. Chúng tôi thực hiện tấn công từ các căn cứ gần đó nếu IS biến hình. Chúng tôi sẽ triệt tiêu Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế nếu họ đánh người Kurd"- ông Trump viết trên Twitter.
Theo ông Trump, Mỹ cũng không muốn "người Kurd khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ".
"Chúng tôi sẽ chấm dứt những cuộc chiến kéo dài vô tận!", trích thông điệp của Tổng thống Mỹ.
Tuyên bố này được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Pompeo đang công du nhiều nước trong khu vực Trung Đông, để trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ về căng thẳng với chính quyền Erdogan, về chính sách của Nhà Trắng trên hồ sơ Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thổi bay ngôn ngữ đe dọa của ông Trump. Ông nói rằng đất nước của ông sẽ không sợ hãi. " Bạn sẽ không đi đến đâu khi đe dọa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ", ông Mevlut Cavusoglu nói .
Trước đó cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông nhìn thấy tiềm năng to lớn cho việc thúc đẩy đáng kể sự phát phát triển kinh tế giữa hai nước.
Trên trang Twitter, Tổng thống Trump cũng cho biết ông và Tổng thống Erdogan đã thảo luận về hai tuần thành công cuối cùng trong cuộc chiến tiêu diệt những kẻ khủng bố còn sót lại của nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thiết lập một vùng an toàn dài 30km.
Tháng trước, chính vì lời khuyên của Ankara mà Washington đã bất ngờ thông báo rút 2000 quân khỏi Syria.
Theo RFI, quyết định đột ngột này để ngỏ cánh cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ rộng đường tấn công lực lượng dân quân Kurd tại Syria YPG, nhằm tiêu diệt mọi ý định ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ một tháng qua quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn được mặn nồng. YPG đang trở thành cái gai giữa chính quyền Trump và Erdogan.
Đứng đầu trong số những đối tác của Mỹ cần được trấn an là người Kurdi Syria từng sát cánh với Mỹ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, nay bị bỏ rơi. Lo ngại này của người Kurdistan tại Syria ngày càng gia tăng khi Ankara coi lực lượng dân quân YPG là một "nhóm khủng bố" thông đồng với đảng PKK của người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1984, đảng PKK đã bị liệt vào danh sách đen, và bị coi là kẻ thù không đội trời chung của Ankara.
Ngày 19.12.2018 khi thông báo kế hoạch rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức dọa mở chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria để tiêu diệt lực lượng dân quân Kurdistan YPG. Thế nhưng, tuyên bố của tổng thống Trump đưa lính Mỹ can thiệp tại Syria "về nhà" sau đó đã liên tục được điều chỉnh lại. Bởi như đánh giá của các chuyên gia, ông Trump trước hết muốn chứng minh với công luận Mỹ, với thành phần cử tri ủng hộ ông, rằng Mỹ không có trách nhiệm đóng vai trò sen đầm quốc tế, không dùng tiền của người dân Mỹ để bảo đảm hòa bình cho một vùng đất xa xôi. Nhưng Nhà Trắng đã không đo lường được hết hậu quả khi quyết định để lại một chỗ trống tại Trung Đông. Riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đòi Ankara hứa không tàn sát người Kurd, và thậm chí coi đấy là một trong những "điều kiện" để rút quân khỏi Syria.
Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar (P) gặp tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Ankara, 8.1.2019.
Tổng thống Erdogan trực tiếp chỉ trích ông Trump bao che cho lực lượng vũ trang Kurd. Đành rằng về mặt chính thức, Ankara không thể đánh mất uy tín với quốc tế trên hồ sơ Kurdistan và đích thân ông Erdogan, trên nhật báo New York Times tuần trước, đã khẳng định là "không có vấn đề với người Kurdistan ở Syria". Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ che giấu ý định tiêu diệt mọi âm mưu hình thành một nhà nước Kurdistan ngay sát cạnh, bởi kịch bản đó châm thêm củi lửa cho tham vọng ly khai của cộng đồng Kurd đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên của tổng thống Erdogan, tuần trước, khi tiếp cố vấn An Ninh của Nhà Trắng, đã trực tiếp đòi Washington rút lại « toàn bộ vũ khí mà Mỹ đã cung cấp cho lực lượng YPG trong nỗ lực chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Về phần ngoại trưởng Mỹ trong vòng công du Trung Đông, ông Pompeo nỗ lực trấn an các đồng minh, cả Ankara lẫn phe người Kurdistan.
Có điều, theo nhận định của giáo sư Jean Marcou, chuyên gia về khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông, trường Khoa Học Chính Trị Grenoble, trên nhật báo Pháp, La Croix, số ra ngày 21.12.2018, vào lúc khủng hoảng Syria sắp bước vào hồi kết, Thổ Nhĩ Kỳ đòi được trả công : Đó là ngăn chặn bằng giá mọi ý đồ thành lập một nhà nước Kurdistan ngay sát cạnh.
Trong hoàn cảnh đó, chuyên gia Thomas Pierret thuộc Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS lo ngại là "về lâu dài, Washington sẽ sẵn sàng hy sinh lực lượng YPG để đổi lấy quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chiến lược của Mỹ trong NATO". Dù vậy trước mắt, những tuyên bố trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về chiến lược của Mỹ tại Syria đang làm Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu !
Vui lòng nhập nội dung bình luận.