Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo sách "Đại Việt thông sử", Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình làm nghề buôn bán muối nhưng rất nghèo khổ. Năm 1405, thân phụ ông là Nguyễn Hội qua đời, ông được người anh ruột là Nguyễn Biện đưa ra Lam Sơn và được Lê Lợi nuôi trong nhà như con.
Việc anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí tìm đến Lam Sơn với Lê Lợi có nguyên do từ mối quan hệ trước đó của Lê Lợi với thân phụ của hai ông. Khi đến với Lê Lợi, Nguyễn Xí chưa đầy mười tuổi nhưng đã tỏ rõ là người có tài nên được Lê Lợi hết lòng yêu quý. Sách trên chép tiếp rằng: Lê Lợi sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn gồm hơn một trăm con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Lê Lợi rất quý ông, cho là ông có tài làm đại tướng, nên sai ông nắm quyền cai quản đội quân Thiết Đột thứ nhất. Như vậy là, vào năm chưa đầy hai mươi tuổi, Nguyễn Xí đã được trao quyền tướng quân. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, vị tướng trẻ Nguyễn Xí lúc này 21 tuổi, có vinh dự được hầu cận Lê Lợi. Ông từng trải những năm tháng gian nan đầu tiên ở vùng rừng núi phía tây Thanh Hóa, có công lớn trong việc phò tá Lê Lợi vượt qua những thử thách hiểm nghèo ở nhiều nơi.
Những năm 1421-1422, Nguyễn Xí là một trong những tướng có công đập tan cuộc tấn công của quân Minh và quân Ai Lao, bảo vệ an toàn Bộ chỉ huy Lam Sơn và lãnh tụ của Lam Sơn là Bình Định vương Lê Lợi. Tháng 9/1426, sau khi phái hơn một vạn quân, chia làm ba đạo cùng tiến ra vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động, Nguyễn Xí được Lê Lợi phong làm đại tướng, cùng tướng Đinh Lễ gấp rút đem thêm quân đi tiếp ứng. Nguyễn Xí và Đinh Lễ đã có công hợp sức với các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí, đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời ở Tốt Động - Chúc Động. Trận ấy, tướng giặc là Trần Hiệp và Lý Lượng bị giết, Tổng Binh của giặc là Vương Thông bị thương. Ta giết tại trận hơn năm vạn tên, bắt sống hơn một vạn tên nữa.
Kế hoạch ồ ạt phản công, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường của Vương Thông hoàn toàn bị thất bại. Giặc buộc phải co về cố thủ trong thành Đông Quan để chờ viện binh. Ngay sau thắng lợi to lớn này, Nguyễn Xí đã đại diện cho các tướng viết thơ cấp báo tin mừng cho Lê Lợi. Trong thời kỳ quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, tướng Nguyễn Xí có vinh dự được cùng tướng Đinh Lễ đem quân chốt giữ ở vùng cửa Nam thành Đông Quan.
Tháng 3 năm Đinh Mùi (1427), Vương Thông cho quân tập kích bất ngờ vào lực lượng của Lam Sơn ở tây Phù Liệt do Thái Giám Lê Nguyễn chỉ huy, hòng phá thế bị bao vây. Bình Định vương Lê - Lợi lập tức sai Nguyễn Xí và Đinh Lễ đem 500 quân Thiết Đột tới ứng cứu. Ông và Đinh Lễ đánh cho Vương Thông phải bỏ chạy thục mạng, nhưng khi đến Mỹ Động, Vương Thông thấy lực lượng của hai ông quá ít, liền cho quân quay lại liều chết đánh trả. Chẳng may, voi chiến bị sa lầy, ông và Đinh Lễ đều bị giặc bắt. Đinh Lễ thì bị giặc giết hại, riêng Nguyễn Xí nhờ khéo tận dụng được cơ hội tốt nên đã trốn thoát. Sử cũ chép lại việc này như sau: Nhân một đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa được tên lính canh giữ mà chạy thoát về ra mắt Lê Lợi ở dinh Bồ Đề. Lê Lợi thấy và kêu lên rằng: Nguyễn Xí sống lại.
Trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang, tướng Nguyễn Xí đã có hai lần lập công lớn. Một là, cùng với các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Trần Nguyên Hãn hạ gục thành Xương Giang, phá tan chỗ dựa nguy hiểm của viện binh giặc từ Chi Lăng tràn xuống. Đó là trận công thành lớn nhất của quân Lam Sơn và thắng lợi của trận công thành này đã thực sự góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang.
Hai là, trong cuộc tập kích cuối cùng của quân Lam Sơn vào cánh đồng Xương Giang, Nguyễn Xí đã có công chỉ huy quân lính, hỗ trợ đắc lực cho tướng Lê Sát, đánh tan toàn bộ lực lượng giặc tại đây. Các tướng cao cấp nhất của giặc như Thôi Tụ và Hoàng Phúc đều bị bắt sống. Năm 1428, Nguyễn Xí được phong là Long hổ tướng quân, và tên ông được xếp vào hàng thứ năm trong biển khắc tên các vị khai quốc công thần.
Trong sách "Đại Việt thông sử" có đoạn chép lại lời của vua Lê Thái Tổ nói về Nguyễn Xí như sau: Khí độ trầm lắng mà hùng mạnh. độ lượng lớn mà cương nghị hơn người. Giúp Cao Hoàng (tức Lê Lợi) mở nước, trải trăm trọn gian nan. Phò Tiên Khảo (tức vua Lê Thái Tông) giữ giang sơn, hết lòng giúp rập. Ra ngoài thì trọn chức tướng võ, vào trong thì vẹn phận tướng văn, nghĩa tôi con thật khó có ai sánh kịp. Khép mình theo đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm nghị ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới luyện. Trăm quan nể trọng phong thái. Bốn biển ngưỡng mộ uy danh...
Với nhiêu đó cũng đã là quá đủ để hậu thế tôn vinh ông không chỉ là một võ tướng tài ba mà còn là một danh thần kiệt xuất. Và với những cống hiến lớn lao cho dân tộc Đại Việt, Nguyễn Xí đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời với những chức tước trọng yếu khác nhau, mà sau khi qua đời công lao của ông vẫn được tỏa sáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.