Đại dịch Cái chết Đen tàn sát nhiều người nhất lịch sử

Đăng Nguyễn - NI Thứ ba, ngày 14/03/2017 06:55 AM (GMT+7)
Cách đây khoảng 700 năm trước, đại dịch khủng khiếp tràn vào châu Âu thông qua con đường giao thương với Trung Á, không chỉ làm suy giảm mạnh dân số thế giới mà còn đặt nền móng cho sự thay đổi xã hội sâu sắc.
Bình luận 0

img

Đại dịch cái chết đen đã hoàn toàn làm thay đổi xã hội châu Âu.

Theo National Interest, đại dịch Cái chết Đen lần đầu xuất hiện tại châu Âu là ở Genoa, Italia vào tháng 10.1347. Giả thuyết ngày nay cho rằng, các thương nhân Italia đã bị nhiễm bệnh khi quân Mông Cổ bao vây thành phố Caffa ở Crimea (ngày nay là thị trấn Feodosia, bán đảo Crimea, liên bang Nga).

Kẻ tấn công đã ném xác nạn nhân nhiễm bệnh vào thành phố. Những thương nhân trốn khỏi thành phố, trở về Genoa mang theo căn bệnh chết người này. Chỉ trong một tháng, 60% dân số Genoa chết vì mắc bệnh.

Nhà văn Italia Giovanni Boccaccio là người đã sống qua giai đoạn đầu tiên, khi bệnh dịch tràn qua khu vực gần Florence năm 1348. Thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch phòng bệnh. Nhưng hoạt động gia tăng của chuột và bọ chét vào mùa xuân khiến cho tình hình rất khó kiểm soát.

Boccaccio mô tả, thế giới khi đó còn thiếu hiểu biết về sự lây lan của đại dịch và cách chống lại nó. Mọi người nghĩ rằng chỉ cần chạm vào quần áo của người chết là nhiễm bệnh nên tránh xa liên lạc với bạn bè, ngay cả người thân.

Nhiều người dân đi đường dùng nước hoa để tránh phải ngửi thấy mùi người chết. Bệnh dịch lan tỏa nhanh đến mức xác chết la liệt trên đường trong khi một số người khác chết ở nhà, không một ai biết đến cho tới khi mùi tử thi lan tỏa sang nhà hàng xóm.

Từ Italia, bệnh dịch lan tới châu Âu, lặp lại bi kịch ở Genoa và còn kinh hoàng hơn thế nữa. Đến tháng 8.1348, đại dịch lan tới miền nam nước Anh. Chỉ 2 năm sau, nó xuất hiện ở vùng Scandinavia và Moscow năm 1353.

img

Người nhiễm đại dịch Cái chết Đen chỉ còn cách chờ đợi cái chết.

Nhìn chung, cái chết đen được xác định đã giết hại một phần ba dân số châu Âu, hoặc 25-50 triệu người. Chỉ riêng ở Anh, một nửa dân số không qua khỏi.

Vậy đại dịch này thực chất là gì? Các nhà khoa học tin rằng, căn bệnh là do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Yersinia pestis lây nhiễm vào rệp chuột, từ đó lan tỏa tới các động vật gặm nhấm như chuột, hay loài sóc.

Khi các động vật gặm nhấm chết, những con bọ chét tìm đến và lây truyền sang con người. Vi khuẩn có thể lây truyền từ người sang người thông qua cơn ho của người bệnh, dù điều này yêu cầu sự tiếp xúc gần gũi.

Một người nhiễm vi khuẩn sẽ phát bệnh từ 2-6 ngày, hoặc bị lây nhiễm trực tiếp từ 1-3 ngày. Tỷ lệ tử vong của người nhiễm ở Mỹ khi chưa có phác đồ điều trị lên tới 66%. Khi đó, không có vắcxin hiệu quả ngăn ngừa đại dịch này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh, “Bệnh nhân phát triển của triệu chứng như sốt, đau đầu, ớn lạnh, suy nhược và có nhiều hạch nổi lên, gây dị ứng, đau đớn”.

Các nhân bạch huyết chính là nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người. Nếu không được chữa trị bằng kháng sinh thích hợp. Vi khuẩn sẽ lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến sốc, chảy máu nội tạng và tử vong.

Việc thiếu kiến thức y tế, thậm chí là nhận thức về khoa học cơ bản cũng giúp lan truyền bệnh dịch hạch. Người dân thời Trung Cổ không tin vào một loại vi khuẩn có thể gây bệnh ở người.

img

Xác người chết nằm la liệt trên đường phố châu Âu, nơi đại dịch Cái chết Đen tràn qua.

Kế quả là đại dịch Cái chết Đen đã tạo nên một chuỗi lây nhiễm từ Yersinia pestis đến đến chuột và cuối cùng là con người. Con người khi đó đổ lỗi cho không khí, người nước ngoài, các nhóm thiểu số như người Do Thái và sự xấu xa của xã hội đang bị Chúa trừng phạt.

Bệnh dịch làm thay đổi sâu sắc nhận thức xã hội.  Từ từng lớp quý tộc đến nông dân đều có khả năng nhiễm bệnh như nhau. Những người thuê đất chết và không thể bù đắp, dẫn đến sức mạnh địa chủ giảm sút.

Nhiều cuộc nổi dậy của nông dân diễn ra ở Anh, Pháp, Bỉ và Italia. Toàn bộ làng mạc bị phá hủy. Ở một số nơi, bệnh dịch khiến người khỏe mạnh qua đời, gây nên tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Người dân ở các vùng dịch bệnh tránh xa người khác, làm suy yếu nền kinh tế xã hội.

Trớ trêu thay, bệnh dịch mang đến một số diểm tích cực. Những người sống sót sau đại dịch được hưởng mức sống cao hơn, do sự dư thừa đất đai và hàng hóa. Xã hội trở nên đa dạng hơn trước cái chết, khuyến khích mọi người “sống gấp”.

img

Đại dịch Cái chết Đen không hề chừa một ai, từ giới quý tộc cho đến những người nghèo khó.

Bệnh dịch còn làm thay đổi thái độ của con người với cuộc sống và cái chết. Những người giàu có trở thành khách hàng quen thuộc của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư, nền tảng chuyển sang giai đoạn Phục hưng.

Bệnh dịch vẫn lan tỏa cho đến 300 năm sau, bao gồm đại dịch lớn ở London năm 1665, khiến một phần tư dân số thiệt mạng. Dù mang đến sự tàn phá nặng nề, bệnh dịch không thể tồn tại vĩnh viễn.

Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, ví dụ như sự suy giảm số lượng của các loài gặm nhấm hay đến khi bác sĩ Vladimir Havkin, người Nga gốc Do Thái điều chế thành công vắcxin phòng bệnh vào thế kỷ 19.

Có thể nói, Cái chết Đen là đại dịch khủng khiếp đối thế giới và đặc biệt là châu Âu.  Ước tính tổng cộng khoảng 200 triệu người thiệt mạng vì dịch bệnh này, trải dài từ châu Âu đến châu Á.

Phương Tây bị tổn thương nặng nề nhưng trở nên năng động hơn bao giờ hết, đặt nền tảng cho các khám phá triết học, khoa học và địa lý có ảnh hưởng sâu rộng.

Những người sống sót sau thảm họa đã hình thành nên tư duy chống lại sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, thông qua sự phát triển của khoa học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem