Đại gia Đường “bia” - người cựu binh luôn trăn trở với hy sinh của đồng đội

Hải Phong – Hồng Anh Thứ bảy, ngày 27/07/2019 13:13 PM (GMT+7)
Hôm chúng tôi tới nhà máy sản xuất bia của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường (Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh), trời nắng gắt. Ngay giữa sân, một nhóm người đang đứng bàn tán sôi nổi. Tất cả đều nổi bật trong màu xanh áo lính. Và trong số đó không ít người là những thương binh nặng. Cô bạn đi cùng cười xòa: “Không đâu như ở Hòa Bình. Hội đồng quản trị toàn thấy các anh các chú thương binh”.
Bình luận 0

Doanh nhân - cựu binh Nguyễn Hữu Đường - trải lòng với PV Dân Việt. (Clip: Đàm Duy)

Từ anh xích lô thành ông chủ bia hơi

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường (hay còn được biết tới với cái tên thân mật hơn là đại gia Đường bia – NV), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Bình, lại hóa ra rất giản dị. Ông luôn tạo cho người đối diện một cảm giác thân mật, dễ gần. Ở ông cũng toát ra phong thái hoạt bát, nhanh nhẹn, cái tác phong có được của một người lính từng dạn dày trận mạc.

Hôm chúng tôi tới Nhà máy sản xuất bia của ông nằm trong Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) nhằm đúng ngày nóng nhất trong tuần, thấy ông đã tất bật với công việc khai trương dây chuyền sản xuất từ sớm. Chiếc áo sơ mi sẫm mầu cũng đẫm mồ hôi, cảm tưởng như vắt ra nước được…

img

Doanh nhân - cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường. (Ảnh: Đàm Duy)

Vậy mà vị doanh nhân - cựu binh này cũng chẳng tỏ vẻ nóng nực hay mỏi mệt. Có lẽ đầu ông đang còn bận với nhiều dự định khác. Vận thêm chiếc áo khoác trắng ra ngoài, ông trực tiếp dẫn chúng tôi đi tham quan khu xưởng sản xuất, chỉ dẫn từng dây chuyền sản xuất bia hiện đại mới được nhập về từ Đức, với một vẻ mặt đầy kỳ vọng xen lẫn tự hào.

Con đường lập nghiệp của người cựu binh này cũng có điều gì đó giống như một câu chuyện cổ tích.

Rời quân ngũ, trở về từ chiến trường mang theo trong mình những mảnh đạn, cựu binh Nguyễn Hữu Đường luôn trăn trở với lời Bác dặn “Thương binh tàn nhưng không phế”. Thời mới rời quân ngũ, ông Đường phải vật vã mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Với lối suy nghĩ táo bạo và quyết đoán của người lính từng vào sinh ra tử, “không chết ở chiến trường, quyết không chết ở đời thường”, ông Đường cùng các đồng đội đã thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hoà Bình vào năm 1987 với 9 thành viên…

Ông Đường “bia” bồi hồi nhớ lại: Khoảng 10 năm tôi đạp xích lô chở bia thuê cho HTX vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội. Năm 1987 khi Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, trước đó nhờ học mót kinh nghiệm làm bia và máu làm ăn sẵn có, tôi rủ thêm một số đồng đội cũng là thương binh, lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình.

img

Ông Đường "bia" cùng chuyên gia người Bỉ Peter đi kiểm tra dây chuyền nhà máy bia. (Ảnh: Đàm Duy)

Trên cơ sở đó đến năm 1993, Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.

Sau đó, phát hiện ra nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, tổ hợp của ông Đường lập doanh nghiệp sản xuất malt bia bán cho các nhà máy. Tích cóp vốn sau một thời gian, ông quyết định đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất malt bia đầu tiên ở Đông Nam Á năm 2002.

Tiếp đó với đầu óc nhạy bén, ông tiếp tục chuyển sang kinh doanh inox, sản xuất nước giải khát và giờ là lấn sân vào lĩnh vực bất động sản, làm khách sạn nghỉ dưỡng. Mà toàn là khách sạn dát vàng độc đáo và đình đám ở Hà Nội, Đà Nẵng hay Hội An như Hoian Golden Sea hay mới đây là Hanoi Golden Lake…

Hướng về nguồn cội, nhớ về đồng đội

Trò chuyện với chúng tôi, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường nhớ lại: Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ khi đó là bác Phan Văn Khải có đến thăm công ty và có nói, đại ý rằng: Nếu công ty nào cũng như công ty Hoà Bình thì đất nước này có lẽ không còn xì ke, ma tuý, tệ nạn xã hội.

Còn PV của Reuters cũng đã từng viết về Hòa Bình như thế này: “Những người trong công ty Hoà Bình là những người có tấm lòng yêu nước mãnh liệt nhất”.

img

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường luôn trăn trở về sự hy sinh của các đồng đội cũng như cuộc sống sau này của thân nhân các thương binh, liệt sĩ. (Ảnh: Đàm Duy)

Cũng đúng thôi, trong số 9 sáng lập viên ban đầu, đã có tới 7 người là thương binh nặng, 2 người còn lại đều là cựu chiến binh. Sau hơn ba thập kỷ lăn lộn trên thương trường, 3 trong số 7 người đã hy sinh do những vết thương chiến tranh tái phát. Nhưng điều đó cũng không làm nao núng ý chí của những thành viên còn lại.

Đến nay, tổng số lao động của Tập đoàn Hoà Bình đã trên 2.000 người, trong đó phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách. Nếu con em liệt sĩ thi đỗ đại học cũng sẽ được Công ty tặng cho cái xe máy, tốt nghiệp THPT hay đạt học sinh giỏi đều được phần thưởng giá trị…

Ông Đường nhẩm tính: Năm 2007, Hòa Bình xây dựng một trung tâm tiếp đón thân nhân liệt sĩ tại nhà khách 27/7 của thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Nhà khách rộng khoảng 1.000m2. Cũng năm đó, chúng tôi đúc 2 quả chuông, xây 2 tháp chuông lớn ở nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9. Năm 2008 lại đúc tiếp 1 quả chuông ở nghĩa trang quốc gia tỉnh Quảng Ngãi. Tới năm 2014, Hòa Bình lại tặng 1 nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ tại thành cổ Quảng Trị 3 tầng, mỗi tầng 900m2. Chúng tôi cũng làm hàng trăm căn nhà tặng cho thân nhân các thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách…

“Đấy đều là vì tình nghĩa với anh em đồng đội, thực ra cũng không là gì so với những hy sinh xương máu của biết bao nhiêu người cho hôm nay. Vì thế, làm gì thì làm, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm trong lòng, không bao giờ được quên nguồn cội, quên sự hy sinh của những đồng đội và những thế hệ đi trước. Điều đó luôn khiến tôi trăn trở, thúc giục mình phải làm gì để xứng đáng hơn, để có thể cống hiến cho đất nước nhiều hơn”, ông Đường tâm sự. 

Giọng ông như trùng xuống, rồi lại chợt hân hoan: “Vui nhất là nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ ở TX Đông Hà, làm xong giờ mỗi tháng cũng thu được kha khá tiền cho thuê đám cưới, nhân viên phục vụ trong đó anh em vui lắm, thỉnh thoảng lại gọi điện ra hỏi thăm chú Đường”. Người cựu chiến binh Đường “bia” cười hiền hậu.

Không “bán linh hồn cho quỷ”

Trong rất nhiều lĩnh vực mà Tập đoàn đang theo đuổi, lĩnh vực mà ông Đường “bia” vẫn tâm huyết nhất là làm bia, nghề đầu tiên khi ông khởi nghiệp. Ông tâm sự với một niềm tâm huyết gần như tuyệt đối: “Bia Sài Gòn thì người Thái đã mua. Bia Hà Nội cũng đang mất dần vào tay người Đan Mạch. Như vậy còn mỗi nhà máy bia của tôi là người Việt".

Và ông nói, nửa đùa nửa thật: "Tôi sẽ không bao giờ bán “linh hồn cho quỷ”".

Ông cũng chốt lại, như để khẳng định quyết tâm: “Trách nhiệm của tôi là phải giữ lại nhà máy bia cuối cùng này của người Việt, cũng là giữ lại niềm tự hào về một sản phẩm, một thương hiệu Việt”.

img

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường cũng trăn trở, tâm huyết với việc làm sao để giữ được thương hiệu của hàng hóa Việt, làm sao phát động được rộng rãi hơn phong trào người Việt dùng hàng Việt. (Ảnh: Đàm Duy)

Không phải ngẫu nhiên mà ông Đường được người trong giới gọi là Đường “bia” hay thậm chí là “Vua bia”. Năm 1987, Tổ hợp thương binh nặng Hoà Bình ra đời. Đến năm 1989, sau quá trình mày mò, nghiên cứu, ông cùng các đồng đội thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Hà Nội sản xuất bia. Bia của ông được đánh giá thơm ngon “không kém bia Hà Nội”…

Và ông nói, nửa đùa nửa thật: "Tôi sẽ không bao giờ bán “linh hồn cho quỷ”".

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công việc làm bia của ông bị gián đoạn. Năm 2014-2015, khi Nhà máy sản xuất bia và nước giải khát Hòa Bình đi vào sản xuất và phân phối tới người tiêu dùng, đã có các đối tác từ Thái Lan, Nhật Bản đến tìm gặp và đặt vấn đề mua lại nhà máy với giá cao gấp 2-3 lần vốn đầu tư xây dựng nhà máy. Nhưng, ông từ chối vì không muốn thương hiệu Việt rơi vào tay nước ngoài.

Đầu năm 2018, dù phải ngừng sản xuất và phải gia công cho các doanh nghiệp khác nhưng ông Đường vẫn không muốn bán nhà máy, vì với ông, nhà máy có ý nghĩa như là “thành trì cuối cùng” của người Việt Nam trước sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài. “Vua mà mất thành trì thì còn gì vua nữa”, ông cười.

img

Ông Đường "bia" đang theo dõi hoạt động của cả nhà máy qua hệ thống điều khiển tự động. (Ảnh: Đàm Duy)

Giờ đây, với việc khánh thành hệ thống dây chuyền sản xuất bia mới này, những kỳ vọng về một loại bia thương hiệu Việt Nam được đông đảo người dân ưa chuộng lại được thắp lên.

Ông Peter Kindts - Giám đốc điều hành nhà máy bia – đã đồng hành với ông Đường 10 năm. Ông Peter cũng có kinh nghiệm 27 năm sản xuất bia Bỉ, chia sẻ: “Nhà máy sản xuất bia Hòa Bình là 1 trong những nhà máy có công nghệ hiện đại Việt Nam hiện nay. Công nghệ sản xuất bia cũng rất đặc biệt”.

Công nghệ mà Peter Kindts tiết lộ chính là công nghệ lên men bia 2 lần. Các loại bia thông thường trên thị trường hiện nay chỉ lên men 1 lần. Với công nghệ lên men 2 lần là sau khi lên men lần một ra bia, đóng vào chai tiếp tục cho lên men tự nhiên lần 2 trong chai nên sau khi đóng lon, chai, bom phải để kho bảo quản 15 ngày mới bán ra thị trường. Loại bia này có thể để tới 5 năm và “ngon không kém bia Bỉ”.

Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), dự kiến Hòa Bình sẽ tổ chức Lễ hội bia tại Hà Nội để người dân thủ đô thưởng thức loại bia mới của Hòa Bình.

Theo ông Đường, công suất hiện tại của Nhà máy bia Hòa Bình là 50 triệu lít/năm nhưng nếu được sự ủng hộ của khách hàng, việc tăng công suất, xây dựng thêm dây chuyền là nằm trong tầm tay.

Ngoài giấc mơ bia Việt, ông Đường vẫn kiên trì hiện thức hóa giấc mơ xây trung tâm thương mại miễn phí cho doanh nghiệp Việt bán hàng Việt trên khắp các tỉnh, thành phố, tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do chính ông khởi xướng. Đại gia Đường “bia” luôn tin tưởng và hy vọng các doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ ủng hộ chương trình.

“Trong dòng máu của mỗi người Việt Nam đều có lòng tự hào dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Trên thế giới chưa có một dân tộc nào 3 lần đánh thắng quân Nguyên, 2 lần đánh thắng đế quốc và thực dân sừng sỏ nhất thế giới là Mỹ và Pháp. Vậy mà chúng ta làm được”, vị cựu binh tự tin và khẳng định thêm: “Một đất nước hùng mạnh thì các doanh nghiệp phải phát triển. Các doanh nghiệp muốn phát triển được thì phải có nơi tiêu thụ sản phẩm và được người dân ủng hộ. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu trên đất nước mình, tỉnh nào cũng có các Trung tâm thương mại (TTTM) miễn phí như Đề án tôi đã trình Chính phủ thì các doanh nghiệp Việt sẽ phát triển, đất nước hết nghèo đói và vươn lên”, ông Đường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem