Đại gia “Thiện Soi” sở hữu biệt thự dát vàng vừa bị bắt có bị phạt tù?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 03/12/2020 11:48 AM (GMT+7)
Theo luật sư, với hành vi cho vay nặng lãi và rửa tiền, đại gia "Thiện Soi" sở hữu biệt thự dát vàng 24K ở Bà Rịa Vũng Tàu phải đối diện với hình phạt hình sự.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Thái Thiện (tức Thiện Soi, 55 tuổi, ngụ xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ), chủ căn biệt thự dát vàng ngay Quốc lộ 51 để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi "rửa tiền" và "cho vay nặng lãi".

Ngoài ông Thiện, con trai của ông này là Lê Thái Phong (20 tuổi) cũng bị bắt tạm giam ngay trong đêm, với vai trò đồng phạm. 

Trước đó, đêm 1/12, công tác khám xét tại căn biệt thự dát vàng của ông Lê Thái Thiện được diễn ra trong nhiều giờ.

Quá trình khám xét, công an phát hiện nhiều tài liệu đang bị ông Thiện tiêu hủy, đốt cháy. Lực lượng chức năng đã thu gom toàn bộ tài liệu còn lại chưa kịp cháy và những tài liệu khác liên quan.

Đại gia “Thiện Soi” sở hữu biệt thự dát vàng 24K vừa bị bắt có bị phạt tù? - Ảnh 1.

Ông Lê Thái Thiện bị bắt giữ, khám xét nhà trong đêm.

Ông Thiện được xác định cho vay nặng lãi lên đến 105%/năm và khi con nợ lâm vào đường cùng thì ông Thiện ra sức ép con nợ chuyển giao tài sản cho mình.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý các sai phạm của các đại gia như Đường Nhuệ, đại gia Hải Dương, nay đến "Thiện Soi"...

Thông thường để trở thành một doanh nhân, sở hữu nhiều tài sản phải mất rất nhiều năm làm ăn kinh doanh tâm huyết, những người giàu có thường kín tiếng và tài sản thường nằm ở giá trị đầu tư, họ ít hưởng thụ, khoe khoang.

Còn một số đối tượng làm ăn phi pháp, giàu lên nhanh chóng thường hay khoe tài sản, sử dụng tài sản như một công cụ, vỏ bọc để thực hiện các hoạt động kinh doanh trá hình, vi phạm pháp luật.

Đại gia “Thiện Soi” sở hữu biệt thự dát vàng 24K vừa bị bắt có bị phạt tù? - Ảnh 2.

Biệt thự của đại gia "Thiện Soi".

Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, dồn người vay vào thế khốn cùng sau đó ép họ phải bàn giao tài sản nhà đất là một hành vi bóc lột tàn nhẫn. 

Các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để ép nạn nhân phải vay với lãi suất cắt cổ, khi không trả được thì lãi mẹ đẻ lãi con, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tài sản mà họ tích góp cả đời mới có được.

Hành vi này đã đẩy người dân khốn khó vào chốn đường cùng, khiến gia đình tan nát, hủy hoại tương lai của rất nhiều con người. Bởi vậy đây là hành vi không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, lãi suất trong giao dịch dân sự do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20% một năm. 

Người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất mà nhà nước quy định, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Mức phạt thấp nhất đối với tội cho vay nặng lãi là phạt tù 6 tháng, cao nhất là 3 năm tù.

Đại gia “Thiện Soi” sở hữu biệt thự dát vàng 24K vừa bị bắt có bị phạt tù? - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

"Như vậy, với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, các đối tượng trong vụ án này có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Ngoài ra, các khoản tiền thu được do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu sung công quỹ", luật sư Cường nói.

Đối với biệt thự dát vàng 24K của đại gia "Thiện Soi" và các tài sản khác, nếu như cơ quan chức năng có đủ căn cứ thấy rằng các tài sản này do phạm tội mà có thì sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Ngoài ra, số tiền vi phạm pháp luật dùng vào đầu tư mua đất đai, nhà cửa, đầu tư vào hoạt động kinh doanh là hành vi rửa tiền, hành vi này là hành vi phạm pháp luật. 

Bởi vậy đối tượng vi phạm có thể bị xử lý thêm về tội rửa tiền theo Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh là 1 năm tù, cao nhất là 15 năm tù.

Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên , thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem