Đại học vùng: Loay hoay làm tư vấn

Thứ tư, ngày 23/02/2011 14:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phạm vi tuyển sinh hẹp, trình độ thí sinh thấp, cơ hội cho đầu ra không cao và tấm bằng bị coi là chưa "oai"... là một số trong rất nhiều trở ngại của các trường ĐH vùng, trong công tác tuyển sinh hàng năm.
Bình luận 0

“Rồng rắn” về địa phương

img

Phát tờ rơi tư vấn tuyển sinh tại ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Là một trường đặc thù đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Nguyên, ĐH Tây Nguyên đào tạo 4 nhóm ngành chính: Nông - lâm, kinh tế, sư phạm và y khoa. Tuy nhiên, ngoài khối ngành sư phạm, các khối ngành còn lại thường xuyên gặp khó khăn trong việc thu hút thí sinh, đặc biệt khối nông - lâm nhiều năm chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu Phó nhà trường cho biết: "Là một trường ĐH vùng, trường không có nhiều thế mạnh trong việc hút thí sinh từ các địa phương khác đăng ký dự thi, vì vậy chúng tôi phải tận dụng tối đa nguồn dự tuyển là thí sinh trong khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây lại là khu vực tập trung nhiều học sinh dân tộc thiểu số, trình độ thấp nên chất lượng đầu vào hạn chế. Nhận thức về ngành nghề và việc làm của các em còn kém, gây khó khăn rất nhiều trong công tác tư vấn tuyển sinh".

Cũng theo ông Vui, ngay từ đầu tháng 2.2011, trường đã triển khai chia nhóm, đưa nhiều đoàn làm tư vấn tuyển sinh về tất cả các trường THPT trong khu vực Tây Nguyên. Tại đây, trường kết hợp với các trường THPT tổ chức các buổi tư vấn miễn phí về ngành nghề, phát tờ rơi giới thiệu các khối ngành của trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhu cầu nhân lực của xã hội, giải đáp những thắc mắc về điểm sàn, điểm thi của từng ngành cho thí sinh...

Tuy nhiên, ông Vui cho biết: "Năm nào cũng làm công tác này nhưng hiệu quả không đáng là bao, trong khi kinh phí thì lại quá lớn, vì nhiều trường ở xa, đi lại khó khăn. Trường thường xuyên phải bù lỗ trong công tác tiền tuyển sinh như thế này".

Mở nhiều cơ hội cho thí sinh

Năm nào trường cũng bỏ ra tiền tỷ để... đưa thông tin về tận địa phương, đến tận nhà cho thí sinh nhưng không mấy hiệu quả. Tuy vậy, việc làm vẫn phải làm, vì cũng không còn phương án nào khả thi hơn đối với những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, thiếu thông tin ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Bản - Hiệu phó Trường ĐH Đồng Tháp

Không chỉ đến tận nơi, nhiều trường ĐH vùng còn rất "thoáng" trong việc đưa ra những cơ chế ưu tiên, khuyến khích cho sinh viên trong quá trình học để hút đầu vào.

Ông Phùng Quốc Việt - Hiệu phó Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết: Năm nào chúng tôi cũng có văn bản gửi Bộ GDĐT, đề nghị miễn học phí với đối tượng theo học một số ngành khó tuyển như: Nông - lâm - ngư. Trường cũng tận dụng tối đa điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách, con em dân tộc.

Các sinh viên trúng tuyển vào học có chính sách khuyến khích bằng học bổng mỗi kỳ học. Việc đạt học bổng cũng không quá khó là nguồn động viên cho các em. Ngoài ra, đối với sinh viên năm cuối, trường chú trọng việc định hướng giới thiệu công việc sau khi tốt nghiệp cho các em.

Trường ĐH Tây Nguyên lại chọn phương án mở ngành đào tạo trình độ CĐ cho những thí sinh có điểm thấp (bằng, hoặc trên điểm sàn) có cơ hội vào học, sau đó tạo cơ hội cho các em học chuyển tiếp lên ĐH.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Việt - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc: Bộ GDĐT cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn, cụ thể hơn đối với các trường ĐH vùng, trong công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực cho địa phương, chứ để các trường phải loay hoay "tự cứu lấy mình" trong mỗi mùa tuyển sinh như thế này thì thật quá vất vả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem