Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước: Khơi gợi quyết tâm vươn lên của đồng bào.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước: Khơi gợi quyết tâm vươn lên của đồng bào
Đông Anh
Thứ bảy, ngày 16/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Từ ngày 14 - 15/11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Phước lần thứ IV năm 2024 diễn ra với sự tham dự của 250 đại biểu chính thức. Đại hội với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, tự lực, tự cường, hội nhập và phát triển bền vững".
Bình Phước là tỉnh có số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá đông - với 40 thành phần DTTS sinh sống (206.416 người), chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, với chủ trương, chính sách chăm lo toàn diện cho đời sống đồng bào DTTS, Bình Phước đã đạt được kết quả mỹ mãn.
Nổi bật là Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, giai đoạn 2019-2023. Tổng nguồn vốn cho chương trình này là 675,7 tỷ đồng đã góp phần thực hiện giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào DTTS (đạt 130% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra). Qua đó, đưa số hộ nghèo đồng bào DTTS từ 4.545 hộ (tỷ lệ 52,76% tổng số hộ nghèo năm 2019) xuống còn 516 hộ (43,36% số hộ nghèo cuối năm 2021).
Năm 2022, do áp chuẩn nghèo mới, con số hộ nghèo đồng bào DTTS tăng lên 2.820 hộ, nhưng năm 2022, Bình Phước vẫn giảm được 1.198 hộ nghèo. Và, năm 2023, giảm 1.367 hộ; đưa số hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh giảm xuống chỉ còn 574 hộ.
Theo bà Trần Tuyết Minh - phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Hiệu quả từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS đã góp phần giúp cho tỉnh Bình Phước giảm mạnh hộ nghèo đồng bào DTTS.
Vì vậy, từ năm 2024 trở đi, tỉnh sẽ không thực hiện chương trình này nữa. Nhiệm vụ giảm số hộ nghèo đồng bào DTTS còn lại (574 hộ) sẽ được thực hiện chung trong kế hoạch giảm nghèo hàng năm của tỉnh.
Không chỉ đời sống đồng bào DTTS khấm khá; mặt khát, bộ mặt địa phương - nơi có đồng bào DTTS cũng "lột xác" từng ngày. Toàn tỉnh 73/86 xã (chiếm 84,88%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thì trong đó có 46 xã thuộc vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, 21/86 xã (chiếm hơn 28%) đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 8 xã vùng DTTS và miền núi. Kết quả này không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.
Hạn chế trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước
Theo nhận xét của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác chăm lo cảo thiện đời sống cho đồng báo DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác trên được cả hệ thống chính trị vào cuộc, là sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành, các cấp.
Cụ thể: Chỉ tiêu thoát nghèo được giao cho từng huyện. Mỗi huyện, phải cắt cử cán bộ xuống từng hộ xem xét người dân thiếu hụt cái gì, để lập kế hoạch đề nghị tỉnh hỗ trợ như: nhà ở, sửa nhà, nước sạch, điện thắp sáng, sinh kế… Đặc biệt, tập trung giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS nghèo để tránh sự dàn trải nguồn lực.
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội còn cho rằng: Thực tế 5 năm triển khai Chương trình giảm nghèo cho đồng bào DTTS, vẫn có một bộ phận nhỏ hộ nghèo đồng bào DTTS còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, do được hỗ trợ 100%. Nên một số trường hợp chưa thật sự cố gắng và sử dụng hiệu quả về vốn vay, vật chất như: bò giống, nông cụ…
Thậm chí, có hộ để xảy ra tình trạng bò giống chết, bò giống không được chăm sóc tốt, nên không phát triển; nông cụ được cấp hỏng hóc, gỉ sét, do sử dụng và bảo quản không đúng cách.
Ông Điểu Nen - Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Phước - cho rằng: "Trong công tác tuyên truyền, tỉnh đã phát huy vai trò của 570 già làng và 2.191 người có uy tín trong cộng đồng. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh có gần 500 già làng và người có uy tín trong cộng đồng được khen thưởng, đặc biệt, có 7 cá nhân được vinh danh là điển hình tiên tiến trong cộng đồng DTTS toàn quốc năm 2023.
Những tấm gương tiêu biểu này luôn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Đồng thời là hình mẫu cho nhân dân phấn đấu và quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhờ những nỗ lực này, nhiều hủ tục dần được loại bỏ, thay vào đó là lối sống văn minh, tiến bộ.
Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân, xây dựng xã hội đoàn kết, thịnh vượng, các dân tộc đều có cơ hội phát triển, văn minh, tiến bộ".
Yếu tố già làng, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS cũng góp phần giúp cho rất nhiều đồng bào DTTS ý thức tự lực, vươn lên làm giàu.
Qua đó, giảm dần hình thức hỗ trợ 100% cho người nghèo DTTS, để hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.