"Tấm lá chắn" từ vaccine ASF, nữ nông dân thu 800 triệu sau tái đàn lợn, lão nông "chốt" tiêm sau chuyến tham quan

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 16/11/2024 07:08 AM (GMT+7)
Được tận mắt chứng kiến đàn lợn của một hộ dân cùng huyện vẫn khỏe mạnh, béo tốt và đã được xuất bán một lứa sau khi tiêm vaccine ASF do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất, ông Cao Văn Sanh, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã yên tâm hơn hẳn, chiều hôm ấy ông quyết định lấy vaccine về tiêm cho lợn.
Bình luận 0

"Tấm lá chắn" vững chắc phòng bệnh DTLCP

Một ngày trung tuần tháng 11, trang trại của chị Nguyễn Thị Thu Oanh, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đón nhiều vị khách "đặc biệt". Trong số những vị khách ấy, có đến 4 người đều là ông chủ trại lợn... nhưng giờ đây là hình ảnh trái ngược khi dịch tả lợn châu Phi như "cơn bão quét qua làng", cuốn sạch vốn liếng, làm họ gần như tay trắng, có người vẫn đau đau muốn trở lại nghề nhưng "chưa dám" và "không dám", bởi con virus quái ác kia vẫn gây "ám ảnh" cho họ đến tận bây giờ.

Chị Oanh cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chị nổi tiếng không chỉ là bà chủ sở hữu trang trại lợn "khủng", mà còn bởi là đại lý cám số 1 ở đất Vĩnh Tường, mỗi tháng bán khoảng 1.000 tấn. Có vốn, sẵn thức ăn, chị "mạnh tay" đầu tư xây chuồng với quy mô có thể nuôi 1.000 đầu lợn.

Nhưng rồi đến 2018 là khởi đầu của những năm tệ hại nhất đến với chị Oanh. Hết lở mồm long móng năm 2018, bước sang năm 2019 và 2020 dịch tả lợn châu Phi lại ập đến, trang trại 110 con nái, 700 lợn thịt bỗng chốc "sạch bách", điêu tàn, chẳng còn lấy con nào. "Chỉ trong vòng 3 năm, tôi mất trắng toàn bộ, thua lỗ gần 10 tỷ", chị Oanh nói.

Mất trắng 10 tỷ, năm 2021, chị Oanh quyết định "phá chuồng", các ô chuồng được làm bằng khung sắt được cắt ra bán sắt vụn.

Vaccine - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Oanh, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết, đã rất yên tâm tái đàn khi đã tiêm phòng vaccine ASF do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất. Ảnh: Minh Ngọc

Sau gần 3 năm chuồng trại bỏ không, đến đầu năm nay, qua các phương tiện truyền thông, chị Oanh biết đến vaccine ASF do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất, có tính an toàn, hiệu quả bảo hộ cao và đã được áp dụng tiêm phòng rất thành công tại một số tỉnh, bởi vậy, chị cho rằng đây là "cơ hội" để cho mình có thể "lấy lại những gì đã mất".

Nghĩ là làm, không một chút do dự, chị Oanh tái đàn với 100 con lợn thịt, đồng thời lấy vaccine ASF do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất "phủ" toàn bộ đàn lợn. Nằm ngoài mong đợi, sau 1 tháng tiêm vaccine ASF, đàn lợn không có biểu hiện gì bất thường và rất khỏe mạnh. Điều quan trọng hơn cả là đã tạo cho chị "niềm tin" rất lớn vào một ngày không xa sẽ khôi phục được trang trại lợn như trước kia.

Sau hơn 3 tháng nuôi, kết hợp tiêm phòng vaccine ASF, chị Oanh đã xuất bán 100 con, với giá 68.000 đồng/kg, thu về 800 triệu đồng, trừ chi phí, chị còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Hôm tôi đến, chị Oanh đã vào tiếp đàn thứ 2 với 100 con lợn thịt, cách đây 2 tháng, chị cũng đã tiêm vaccine ASF của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Điều làm tôi bất ngờ hơn cả, đó là chị Oanh vô tư mời chúng tôi vào trang trại, ngắm nghía đàn lợn mà không cần đồ bảo hộ.

Vaccine - Ảnh 2.

Hiện nay, đàn lợn 100 con của chị Oanh đều đã được tiêm phòng vaccine ASF và đang rất khỏe mạnh. Ảnh: Minh Ngọc

Thiệt hại so với chị Oanh tuy nhẹ hơn nhưng với gia đình ông Lê Văn Khá, xã Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường) thời điểm năm 2019, đàn lợn 30 con (11 nái, 19 thịt) bị chết do dịch tả lợn châu Phi thì là cả một gia tài. Trong ngôi nhà ngót nghét hơn 50 năm tuổi, kèo, cột bị mối mọt ăn mòn, ông nói, chẳng biết bao giờ mới có đủ tiền để xây được căn nhà mới, vì mấy năm vừa qua dịch bệnh liên miên, nuôi lợn bết bát quá.

Cũng vì nuôi lợn thua lỗ quá nhiều, nên ông Khá chỉ còn giữ lại 2 con nái và hơn chục con lợn thịt, còn lại chuyển sang nuôi gà đẻ để lấy trứng bán, mong "có đồng ra, đồng vào". Ông nói với tôi rằng, bản thân có thâm niên 20 năm nuôi lợn, cái nghề nó đã "ngấm vào máu" nên bây giờ bảo "dứt" hẳn ra cũng khó.

Ông Khá là khách "ruột", thường xuyên lấy cám từ đại lý chị Oanh, từ khi biết đến chị Oanh tiêm vaccine ASF của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho đàn lợn rất thành công nên ông cũng đành "liều mình một phen" tiêm thử trên đàn lợn.

Vaccine - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Khá, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cũng rất yên tâm khi đã sử dụng vaccine ASF để tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Minh Ngọc

Cũng giống như chị Oanh, sau khi ông Khá tiêm vaccine ASF cho 8 con lợn của mình thì đều cho ra một "nghiệm" giống nhau, chúng đều rất khỏe mạnh và được xuất bán sau hơn 3 tháng nuôi.

Bước sang lứa lợn này, ông Khá cho biết, tiếp tục sử dụng vaccine ASF để tiêm phòng cho 11 con, vẫn là những "điều rất tốt đẹp" khi đến nay sau 2 tháng, đàn lợn vẫn "ăn ngon, ngủ kỹ và lớn nhanh như thổi".

"Chúng tôi mừng lắm, khi đã tìm thấy được loại vaccine có thể bảo vệ đàn lợn của mình trước dịch bệnh. Xung quanh đây, nhiều hộ đều đã nổ dịch rồi, nhiều người vẫn băn khoăn chưa biết sử dụng loại thuốc nào phòng bệnh, còn tôi đã yên tâm khi đã có vaccine ASF", ông Khá bộc bạch.

Vaccine - Ảnh 4.

Lứa trước, ông Khá tiêm vaccine ASF cho đàn lợn 8 con, tất cả đều an toàn và được xuất bán sau hơn 3 tháng nuôi. Ảnh: Minh Ngọc

"Chốt" tiêm vaccine ASF sau buổi tham quan

Ông Cao Văn Sanh, xã Kim Xá (huyện Vĩnh Tường) là một trong những vị khách "đặc biệt" đến tham quan trang trại của chị Oanh chiều hôm ấy. Nhìn những con lợn béo tốt, trắng hồng, ông không khỏi ao ước.

Ông Sanh là một nông hộ nhỏ nhưng có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lợn nên với kinh nghiệm dạn dày của mình, "lợn đẹp, lợn xấu", nhìn loáng qua là ông biết liền.

Từng nuôi hơn 30 con lợn, nhưng bị "nổ" dịch tả lợn châu Phi, ông Sanh đã chuyển một số diện tích sang nuôi gà thịt, nhưng ông nói cũng "chẳng ăn thua, lãi ít và gà cũng nhiều bệnh quá". Đến trang trại của chị Oanh, ông Sanh mang một "niềm tin rất lớn", mong muốn tìm ra cách khôi phục lại đàn lợn.

Vaccine - Ảnh 5.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam Nguyễn Văn Điệp (ngoài cùng bên phải) cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tham quan trang trại lợn của chị Oanh khi đã tiêm vaccine ASF. Ảnh: Minh Ngọc

Sau cả chiều ngồi nghe chị Oanh nói chuyện, bộc bạch và được tận mắt chứng kiến đàn lợn khỏe mạnh sau khi tiêm vaccine ASF, ông Sanh đã quyết định lấy vaccine ASF về tiêm trên đàn lợn của mình. Và ngay chiều hôm ấy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam Nguyễn Văn Điệp đã lên Vĩnh Phúc, gặp trực tiếp ông Sanh và một số người dân để cùng lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ bà con.

Ông Điệp cho biết, sau gần 3 năm nghiên cứu, vaccine ASF do AVAC phát triển đã chính thức được cấp phép lưu hành, sử dụng cho lợn thịt từ tháng 7/2022, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, AVAC đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động tiến hành các thử nghiệm đánh giá trên ít nhất 600.000 liều.

Ông Điệp nói: "Sau khi được cấp phép, AVAC tiếp tục chứng minh tính an toàn của vaccine tại nhiều địa phương khi tiến hành hơn 100 thử nghiệm tại trên 20 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy tất cả đàn lợn được tiêm vaccine đều an toàn, bảo hộ tốt”. Nghe đến đây, ông Sanh càng yên tâm hơn về quyết định của mình.

Vaccine - Ảnh 6.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam Nguyễn Văn Điệp trao đổi, chia sẻ, hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn về cách sử dụng vaccine ASF. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Điệp cho hay, dù vẫn còn một số e ngại về tính hiệu quả của vaccine ASF bởi là vaccine mới, lại do công ty trong nước sản xuất, nhưng thời gian vừa qua, AVAC đã kiên trì thực hiện các mô hình thử nghiệm thực tế, giúp người chăn nuôi tự tin hơn thông qua các kết quả "người thực việc thực" ngoài thực tiễn.

Cũng theo ông Điệp, một trong những trở ngại lớn đối với người chăn nuôi vừa và nhỏ là việc vaccine ASF chưa được khuyến cáo sử dụng cho lợn nái và lợn giống. Hiện, AVAC đã hoàn thiện quy trình và tự tin khuyến cáo sử dụng vaccine ASF cho cả hai đối tượng lợn nái và đực giống.

"Công ty đang tiến hành các thủ tục đăng ký với Cục Thú y để chính thức được phê duyệt việc sử dụng vaccine cho lợn nái và đực giống, giúp tăng phổ sử dụng, bảo hộ, từ đó giúp người chăn nuôi tự tin hơn, nhất là các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ”, ông Điệp cho hay.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra thời gian qua là ở những đàn lợn chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi những lợn được tiêm vaccine AVAC ASF LIVE hoặc vaccine NAVET- ASFVAC hầu như không bị dịch tả lợn châu Phi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh đề nghị tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó, có nhấn mạnh đến giải pháp thúc đẩy tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho lợn. Những đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Virus dịch tả lợn Châu Phi có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Do đó việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi là giải pháp cấp bách”.

"Sau khi tiêm phòng Vaccine ASF cho lợn, cần 2 - 4 tuần để sinh đủ lượng miễn dịch bảo hộ. Nếu trong thời gian này lợn tiếp xúc với mầm bệnh vẫn sẽ xảy ra dịch. Do đó, trong giai đoạn này, người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp an toàn sinh học khác để tránh rủi ro phát sinh dịch", ông Điệp khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem