Các con động vật "nửa rừng nửa nhà" béo trục béo tròn đang thả rông ở Lâm Đồng hóa ra là của một nông dân

Thứ tư, ngày 06/11/2024 05:34 AM (GMT+7)
Đàn trâu gần 20 con, không cần chăn dắt, đưa về chuồng trại mỗi ngày, chủ cứ vô tư thả hoang trong rừng, năm thì mười hoạ mới vô thăm 1 lần, thành loài động vật "nửa rừng nửa nhà". Đó là cách nuôi trâu trong rừng lạ đời của anh Cil Phlit, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Đeo chuông cho con trâu đầu đàn để "quản đàn"

Đó là cách nuôi trâu trong rừng lạ đời của anh Cil Phlit, dân tộc Lạch (30 tuổi), trú tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đàn trâu gần 20 con to, nhỏ của gia đình anh Cil Phlit hiện trị giá khoảng hơn 400 triệu đồng.

img

Con trâu đầu đàn đeo chuông lục lạc để "chỉ huy" cả đàn. Đàn trâu nhà "cứ như trâu rừng, trâu hoang" này thực chất là của gia đình anh Cil Phlit, dân tộc Lạch (30 tuổi), trú tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VĂN LONG

Đó là cả một gia tài lớn, nhưng bằng một thứ niềm tin, thói quen chăn nuôi; đặc biệt là sự tin tưởng vào sự trung thành của bầy gia súc.

Những con trâu đầu đàn được chọn luân phiên đã khiến chàng trai Phlit hoàn toàn yên tâm, không nuôi nhốt, cũng chẳng cần mấy khi để mắt đến mà đem thả rông trong rừng suốt ngày nọ sang tháng kia. 

Họa hoằn 1-2 tuần anh vô rừng thăm đàn trâu một lần chỉ để kiểm tra diễn biến sức khoẻ, sự sinh sản của chúng. 

Mặc dù buông thả đàn trâu, nhưng mỗi khi anh Phlit vào rừng bắc loa tay tìm gọi, đàn trâu vẫn nhận ra chủ và lộc cộc kéo nhau lại gần, ăn thức ăn của chủ mang tới.

img

Anh Phlit và đàn trâu 18 con lớn, nhỏ nuôi thả trong rừng ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VĂN LONG

Anh Cil Phlit cho biết, thức ăn của anh dành cho đàn trâu ngoài vài món khoái khẩu như cám, xà lách, dưa hấu... không thể thiếu muối. 

Nhờ những thức ăn quen thuộc anh mang theo mà những chú trâu nhận ra chủ và nhìn anh quyến luyến. 

Nhưng đã trở thành thói quen, những con trâu sau đó vẫn thích lang thang trong rừng, tự tìm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn khi trời lạnh, nóng hay đêm xuống. 

Tất cả sẽ theo sự chỉ dẫn của con trâu đầu đàn, được anh Phlit đeo cho một cái chuông nơi cổ. Mỗi khi con đầu đàn đi đâu, tiếng chuông kêu leng keng, 17 con trong đàn bước theo.

Theo anh Phlit, những con lớn nhất đàn nặng khoảng 6 đến 7 tạ, có giá khoảng 40 triệu đồng/con. Trung bình mỗi con trâu trưởng thành có giá khoảng 30 triệu đồng.

img

Thức ăn, nước uống từ thiên nhiên khiến đàn trâu của anh Phlit luôn no đủ, béo tròn. Ảnh: VĂN LONG

Bán 1 con như cắt đi khúc ruột

Anh Phlit cho biết, đàn trâu của gia đình anh là trâu Tây Nguyên "chính hiệu". 

Đây là giống trâu của người dân tộc Lạch và Cil (Cil là một nhánh của đồng bào dân tộc thiểu số K'Ho) dưới chân núi Lang-Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), gắn liền với văn hoá của đồng bào Lạch, K'Ho suốt nhiều đời. 

Cha mẹ anh tích luỹ tài sản bằng cách mua dần từng con trâu của bà con trong buôn làng suốt nhiều năm qua, có những con tuổi đời đã 30 năm, sau đó chúng tiếp tục sinh sản.

img

Đàn trâu đã quen tập tính sống hoang dã. Ảnh: VĂN LONG

"Đến nay, đàn trâu tổng cộng gồm 18 con đều khoẻ mạnh. Bố mẹ tôi cho tôi cách đây mấy năm, tôi tự nuôi thả trong rừng nên trông chúng không khác mấy trâu rừng bởi sự hoang dã, sống độc lập. 

Những lúc rảnh rỗi hoặc khoảng 1- 2 tuần, có khi lâu hơn tôi mới vào thăm chúng một lần. Chúng tự sinh đẻ trong rừng, có khi tôi theo dõi trâu cái chửa rồi canh ngày cùng bố mẹ vào hỗ trợ chúng. Có khi tính ngày không đúng, vào thì đã thấy xuất hiện thêm chú nghé con", anh Phlit hồn nhiên kể.

Chủ đàn trâu cũng cho biết, gia đình anh cũng có làm một cái chuồng để nhốt trâu, nhưng rất lâu mới dồn chúng về một lần để bắt, mỗi khi nhà có việc, khó khăn về kinh tế cần phải bán 1 - 2 con. 

"Mỗi lần phải dồn trâu về để bắt, bán đi con nào, lòng tôi đau như cắt. Tôi muốn chúng tự do, tự sinh sôi nảy nở để có một đàn trâu lớn".

img

Những con trâu bán hoang dã hiền với chủ nhưng khá dữ với người lạ. Trong ảnh là anh Phlit đi thăm đàn trâu của mình. Ảnh: VĂN LONG

Theo anh Phlit và người dân nơi đây, đàn trâu của anh mỗi ngày đi xa cả km, chúng cứ đi như thế ngày này tháng nọ, loanh quanh trong các khu rừng ở huyện Lạc Dương. 

Với chủ hay người quen, chúng rất hiền, nhưng với người lạ, nếu có ý định tấn công, trêu chọc, chúng rất hung dữ. 

Đàn trâu thường ăn cỏ ở khu vực cây thông cô đơn. Người dân và khách du lịch đến đây, thấy đàn trâu của anh Phlit thường bị thu hút bởi chúng tròn trịa, to mập, khoẻ mạnh, sạch sẽ, kiểu bán hoang dã. Trong khi đàn trâu nửa rừng, nửa nhà này hễ thấy người lạ là chúng đứng im, dồn lại, ánh mắt nhìn dè chừng, cảnh giác.

Hỏi có sợ bị kẻ xấu bắt mất trâu không? Anh Phlit nói rằng, gặp kẻ tham và ác cố tình hại trâu của anh thì cũng khó kiểm soát, nhưng hẳn là kẻ đó cũng khó thoát được với đàn trâu lúc cần thì cũng rất hung dữ của anh. 

Ngoài ra, anh tin rằng, nếu có bị mất con nào, anh sẽ báo Công an và sẽ sớm tìm ra thủ phạm. "Tôi đọc báo thấy các tỉnh khác có những kẻ xấu bắt bò, trâu chở đi tiêu thụ hoặc làm thịt giữa đồng. Nhưng sau đó đều bị Công an truy ra bắt được nên tôi cũng yên tâm phần nào, không sợ mất trâu của mình".

img

Những con trâu "nửa rừng nửa nhà" béo tròn béo trục của gia đình anh Cil Phlit, dân tộc Lạch (30 tuổi), trú tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VĂN LONG.

Ngọc Hà (Báo Công an TP HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem