Đại hội VIII Hội NDVN: Hội Nông dân Lào Cai tư vấn, hỗ trợ nông dân hướng tới xây dựng người nông dân văn minh
Đại hội VIII Hội NDVN: Hội Nông dân Lào Cai tư vấn, hỗ trợ nông dân hướng tới xây dựng người nông dân văn minh
Mùa Xuân
Chủ nhật, ngày 24/12/2023 12:29 PM (GMT+7)
"Người nông dân cần có kiến thức, cần có sự hỗ trợ về kiến thức, người nông dân phải tiếp cận được công nghệ mới, kỹ thuật mới, gắn bó với gia đình, cộng đồng. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được hình ảnh người nông dân văn minh trong thời kỳ đổi mới", ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai về hình ảnh người nông dân văn minh.
Trước thềm Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai về vai trò của các cấp Hội Nông dân Lào Cai tư vấn, hỗ trợ nông dân hướng tới xây dựng người nông dân văn minh.
Ông Tô Mạnh Tiến cho biết: Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, căn cứ vào điều lệ của Hội Nông dân Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Đặc biệt là phát triển đội ngũ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu tăng số lượng nhưng phải đảm bảo về chất lượng hội viên, hướng tới xây dựng người nông dân văn minh. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai tốt phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hướng tới làm giàu bền vững.
Trên cơ sở đó, đối với các hội viên nông dân phải thực hiện chức trách trên địa bàn đảm bảo tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước tại thôn, bản, cộng đồng dân cư.
Hiện, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã có gần 16.000 hội viên nông dân đạt hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương khen thưởng.
Người nông dân được tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận được kiến thức tổ chức sản xuất, trong đó, điểm nhấn là triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai xuống các cấp Hội huyện, xã, chi hội thôn.
Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tập huấn hướng dẫn để truyền tải những kiến thức, những kinh nghiệm. Phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn, như Bưu điện, Viettel… để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ mới trong việc tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu, chuyển tải, kết nối với các nông sản hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm của địa phương xanh, sạch, đẹp.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai Tô Mạnh Tiến, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền cho hội viên tiếp cận kiến thức gắn với xử lý môi trường trong sản xuất, sinh hoạt bằng các mô hình, dự án hoặc xây dựng các mô hình, phần việc, đảm bảo môi trường địa phương xanh, sạch, đẹp.
Ví dụ như phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương.
Đối với Hội Nông dân các xã xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp trồng hoa cây cảnh gắn với phát triển sản xuất, du lịch công đồng. Năm 2023 này, đã phối hợp triển khai các chương trình đào tạo nghề cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức trên 10 lớp cho gần 400 học viên đào tạo các nghề chăm sóc, sơ chế biến quê, chè, dược liệu, thêu may thổ cẩm công nghiệp.
Đổi mới trong đào tạo nghề, cho người dân bố trí đi học tập tham quan thực tế liên kết trực tiếp với các cơ sở chế biến, sản xuất giống để người dân biết được kỹ thuật sản xuất, tiến tới kết nối người dân với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để kết nối giữa việc quảng bá sản phẩm thì ngoài phối hợp với các hội nông dân, các tỉnh trong việc quảng bá sản phẩm. Hội nông dân tỉnh Lào Cai đã kết nối với Hà Nội Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang. Đồng hành cùng với đó Hội nông dân tỉnh Lào Cai đã xây dựng trang Fanpage mạng xã hội là “Nông lâm sản nông dân Lào Cai” từ đó giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai đến người tiêu dùng.
Cũng trong năm nay, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Quỹ bảo vệ Phát triển rừng tỉnh tập huấn cho gần 200 hội viên nông dân cán bộ hội cấp xã, huyện Sa Pa, Bắc Hà hiểu về cơ chế chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Từ đó, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng.
Ngoài ra, thời gian qua, khi biết hội viên nông dân trồng cây quế bị sâu bệnh hại, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp tập huấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho nông dân bằng biện pháp sinh học.
"Chỉ có sản xuất hàng hóa mới đem lại thu nhập cho bà con, thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm giàu bền vững gắn với khẩu hiệu vườn cây, chuồng 1 con, đường 1 cây để chúng ta thay đổi tư duy sản xuất người nông dân từ sản xuất đa cây đa con thành sản xuất chuyên canh, sản xuất hoàng hóa.
Để xây dựng người nông dân văn minh chúng ta cần xác định người nông dân là chủ thể, trung tâm phát triển và đây là cơ sở phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Người nông dân cần có kiến thức, cần có sự hỗ trợ về kiến thức, người nông dân phải tiếp cận được công nghệ mới, kỹ thuật mới, gắn bó với gia đình, cộng đồng. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được hình ảnh người nông dân văn minh trong thời kỳ đổi mới". Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã thực hiện 64 dự án, với số vốn quay vòng 45 tỷ cho 637 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động với mức thu nhập trung bình từ 50-80 triệu đồng/năm. Trong đó, nguồn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng thực hiện 20 dự án, cho 416 hộ vay; nguồn Quỹ cấp tỉnh 17,720 tỷ đồng, thực hiện 21 dự án với 268 hộ vay; nguồn Quỹ cấp huyện quản lý 7,6 tỷ đồng. 100% các cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Thông qua việc thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân, đã giúp hội viên, nông dân xây dựng được các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhất là xây dựng các Tổ hội nghề nghiệp, mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án: nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; điển hình là các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát.
Nhiều dự án phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng cây tại huyện Bảo Thắng; mận tam hoa tại thị trấn Bắc Hà; cây lê, đào Pháp, hoa ly, địa lan, cây dược liệu Atiso tại thị xã Sa Pa; trồng và chế biến quế hữu cơ tại Nậm Đét (Bắc Hà)…
5 năm qua, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 16.796 nghìn lao động nông dân, trong đó Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 42 lớp dạy nghề cho 1.207 lao động, đào tạo các nghề ngắn hạn, thời gian đào tạo nghề dưới 3 tháng cho nông dân, gồm các nhóm nghề May, thêu thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác theo mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến 2030, tầm nhìn đến 2050, theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 93 nghìn lượt hội viên; hướng dẫn thành lập mới và duy trì hoạt động của 83 hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.