Trong khi ngành chức năng khẳng định xả lũ “đúng quy trình”, thì cứ thủy điện xả lũ là có chết người, có tán gia bại sản. 46 người chết và mất tích. Hàng ngàn những “đầu cơ nghiệp” trôi nổi khắp nơi cùng chốn.
Miền Trung đau thương có năm nào mà không bão lũ, nhưng chỉ vài cơn mưa rồi nước ào ạt chỉ vài tiếng đồng hồ đã ngấp nghé nóc nhà mà bảo thủy điện vô can thì “đại hồng thủy đúng quy trình” chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Sau cơn bão lũ lịch sử năm 2010, 300 con trâu bò của người Rục ở bản Ón- Quảng Bình chết trương khắp nơi. Tiếc của, người bản Ón đi vớt những cái xác đã chết trương 3-4 ngày về xát lá rừng cho đỡ mùi để ăn.
Sau cơn lũ năm nay, khắp miền Trung, người dân đang phải chạy đua với sự phân hủy để xẻ thịt bò, thịt trâu ăn thay cơm.
Có bao giờ những người làm quy hoạch thủy điện, đắc ý với vai trò “cắt lũ” trong các luận chứng, tưởng tượng ra cảnh khắp chốn cùng quê là xác chết khi chỉ riêng một huyện như Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lũ đã dìm chết hơn 1.000 con trâu, bò, 4.700 con lợn, hơn 67.700 gà, vịt.
Có bao giờ Bộ trưởng Bộ Công Thương chân vùi trong bùn nước, tự tay cầm dao xẻo thịt cái “đầu cơ nghiệp” trị giá hai chục triệu để ăn? Ăn mà nước mắt lưng tròng.
Phong trào “mì ăn liền” trong việc xây dựng thủy điện đã “ăn của rừng” không biết bao nhiêu hécta rừng, không biết bao nhiêu thảm thực vật. Và việc “thủy điện tranh nhau xả nước”- như cách nói của ĐBQH Đỗ Văn Đương, đã khiến hạ lưu lĩnh đủ những cơn đại hồng thủy. 10 năm trước, khi “thủy điện mì ăn liền” chưa tràn ngập như bây giờ, làm gì có trận mưa vớ vẩn nào tạo ra một cơn lũ trong chỉ 2-3 giờ đồng hồ đã ngấp nghé mái nhà dân.
ĐBQH Dương Trung Quốc so sánh xả lũ cũng nguy hại như xả chất độc: “Một lần xả lũ có thể cuốn trôi tất cả tài sản và tính mạng người dân”. “Phải điều tra, xem xét xem việc xả lũ tại một số nơi ở miền Trung có đúng quy trình hay không. Ngành chức năng làm hết trách nhiệm chưa?”- ĐBQH Đỗ Văn Đương cũng rất kiên quyết.
Nhưng không có ai trả lời các ĐBQH cả. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm qua đã vắng mặt tại nghị trường. Ông bận công tác. Nhưng sự có mặt của Bộ trưởng Hoàng liệu cũng có ý nghĩa gì khi câu chuyện thủy điện xả lũ, một thứ nhân tai, năm nào cũng được nói trước Quốc hội, năm nào cũng được khẳng định “đúng quy trình” và năm nào cũng lặp lại. Huống chi, rất có thể, Bộ trưởng sẽ giải thích câu chuyện “đại hồng thủy đúng quy trình” bằng cách lặp lại câu trả lời kinh điển của chính ông: “Chúng ta đang nói về chúng ta”.
Anh Đào (Anh Đào)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.