MC không phải là nghề "hái hoa bắt bướm"
Người xưa có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lời dạy ấy quả không sai, đặc biệt là với nghề dẫn chương trình (xin được gọi tắt là MC).
Có người hỏi tôi, liệu khán giả có khắt khe quá không khi chương trình trôi chảy thì không sao, nhưng nếu chẳng may vướng sự cố thì mọi chỉ trích đổ dồn về MC? Tôi cho rằng, làm tốt vai trò kết nối giữa khán giả và chương trình là điều cần thiết mà người MC nào cũng phải đảm bảo. Đó đương nhiên là trách nhiệm, là cam kết với công việc.
Khán giả không nhắc cũng phải mừng vì mình đã làm tốt vai trò, không mắc sơ suất dẫn đến hỏng chương trình. Nếu làm không tốt, có bị "ném đá" cũng phải cố gắng mà chấp nhận. Có "sứt đầu mẻ trán" thì mới có kinh nghiệm cho lần sau.
Với sự cố trong đêm chung kết Hoa hậu hoàn vũ 2015 vừa qua, tôi cho rằng, một MC kỳ cựu như Steve Harvey thì không thể mắc phải sai lầm vô cùng ngớ ngẩn như vậy. Cá nhân tôi khi đọc điều đó, thực sự không tin vào mắt mình nữa, nhất là với một chương trình đặc biệt có hàng triệu người theo dõi trên toàn thế giới. Bao giờ trong tờ công bố kết quả gởi cho MC, tên người giải nhất cũng được viết riêng ra, hoặc gạch dưới, hoặc tô đậm lên,… Harvy thuộc dạng tên tuổi lão làng, điều đó càng không thể.
Tôi cho rằng, hẳn ban tổ chức đã có sự thay đổi bất ngờ vào phút chót nên sự tình mới ra nông nổi, Harvy là người lãnh đủ. Và tôi thực sự bị thuyết phục cũng như thông cảm với ông ấy.
Trên phương diện truyền thông, khán giả chỉ thấy MC đọc nhầm tên, mình là người chủ trì, có sai sót thì mình phải nhận trách nhiệm trước tiên. Còn việc đằng sau đó là thế nào thì hãy để mọi người tự hiểu. Khán giả bây giờ rất tinh ý và cực thông minh. Không điều gì có thể qua mắt được họ đâu.
Tất nhiên, nghề nào cũng vậy, cho dù bạn có cẩn thận đến đâu đi chăng nữa, cũng sẽ có những tình huống không lường trước được hoặc nằm ngoài kiểm soát. Tôi còn nhớ khi còn làm Quà tặng tri thức, một chương trình truyền hình trực tiếp 1 tuần 2 show, mỗi show khoảng 30 phút. Khán giả là người gọi điện trực tiếp lên đài giao lưu với MC và trả lời câu hỏi.
Lần đó đang lên hình thì tín hiệu điện thoại của người chơi bị mất không liên lạc được. Chương trình trực tiếp không thể chờ lâu, thế là tôi nháy với anh kỹ thuật rồi đọc đại số điện thoại của người chơi là số điện thoại .. nhà mình. Tôi thì sống một thân một mình nên đâu có ai ở nhà, tiếng điện thoại cứ reng trên sóng truyền hình. Anh kỹ thuật nhanh trí ngắt máy rồi cầm micro nói chuyện với tôi như khán giả đang gọi về vậy. Bữa đó kết thúc, mấy anh em thở phào như trút một gánh nặng.
“Nói bằng trái tim được chắt lọc qua bộ óc”
Vậy đó, nghề dẫn chương trình thoạt trông tưởng dễ mà thật ra lại chẳng đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ và học hỏi không ngừng, từ kiến thức, kỹ năng cơ bản về tiếng nói, hình thể, phong cách và nhiều kỹ năng hỗ trợ khác như ca hát, nhảy múa, quản trò,… ngay khi bạn mới bắt đầu.
Nếu không chịu trau dồi, nếu bạn bằng lòng đứng lại thì sớm muộn bạn sẽ lặp lại, bạn sẽ khiến mình trở nên nhàm chán và khủng khiếp hơn, bước ra sân khấu, bạn chẳng khác gì một người thợ đọc vô hồn, thậm chí chẳng còn hứng thú để nói. May mắn lớn nhất của tôi là nghề diễn đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh sân khấu, khiến tôi bình tĩnh, biết chủ động, hoạt ngôn khi cần thiết nhưng cũng biết tiết chế đúng lúc.
Điều không kém phần quan trọng khác, đến với chương trình mới thì người dẫn chương trình cần phải biết đối tượng khán giả của mình như thế nào, độ tuổi ra sao, tính chất chương trình là giải trí hay tâm sự trò chuyện, hay thảo luận về đề tài xã hội nào đó… Có như vậy mình mới lựa chọn cho mình một cách dẫn phù hợp được thì mới thành công.
Cho đến giờ phút này, tôi được làm nghề bằng sự hứng khởi của bản thân, sự tôn trọng của nhà tổ chức. Và sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của anh em. Tôi quan niệm, mỗi khi cầm mic, cứ nói bằng cảm nhận của mình. Nói bằng trái tim nhưng được chắt lọc qua bộ óc, để những lời nói của mình không bị phiến diện một chiều và có kiểm soát.
Nghề cầm mic không đơn giản, không phải là nghề "hái hoa bắt bướm" như mọi người vẫn nghĩ. Cần phải học hỏi và nỗ lực không ngừng. Vũ khí của người MC chỉ là lời nói và khi lời nói xuất phát từ trái tim của mình thì nó sẽ chạm được đến trái tim của khán giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.