Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Các nước lớn quan tâm hơn đến xung đột Nga - Ukraine, lò lửa Trung Đông còn cháy kéo dài

Mỹ Hằng thực hiện Thứ sáu, ngày 04/10/2024 15:24 PM (GMT+7)
Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông, chia sẻ với Dân Việt về các diễn biến nóng bỏng sau cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza, kéo theo xung đột với Hezbollah và thúc đẩy Iran ra tay. Ông cho rằng các nước lớn đang quan tâm đối đầu Nga, Trung Quốc hơn là tình hình Trung Đông.
Bình luận 0
Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích  - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, UAE và một số nước Trung Đông. Ảnh tác giả cung cấp.

Tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế

* Một năm qua, cuộc chiến Gaza làm hơn 40 nghìn người chết, Đại sứ nhận xét thế nào về các hành động của Israel? Đại sứ có cho rằng nếu cuộc chiến đó được ngăn chặn thì có lẽ đã không dẫn tới xung đột lan rộng như ngày nay?

- Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ ngày 7/10/23 đến nay tròn một năm. Đây là cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất, ác liệt nhất, kéo dài nhất kể từ cuộc chiến Israel - Arab 1948. Để đáp trả cuộc tấn công của Hamas, Israel đã mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố mục tiêu chiến địch là tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin, nhưng đến nay 1 năm trôi qua, Israel không thực hiện được 2 mục tiêu này, ngược lại cuộc chiến này gây tổn thất nặng nề không chỉ cho Iực lượng Israel mà còn gây ra thảm họa nhân đạo cho Gaza.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên thế giới lên án hành động quân sự của Israel, ủng hộ người Palestine, chưa bao giờ có một phong trào ủng hộ Palestine mạnh như vậy. Hội đồng Bảo an và nhiều tổ chức quốc khác đòi Israel ngừng bắn, chấm dứt hành động chống lại dân thường, đàm phán tao trả con tin.

Nội bộ Israel cũng chia rẽ, phe đối lập do cựu Thủ tướng Israel Naftali Benett đứng đầu đòi ngừng bắn, đòi ông Netanyahu từ chức, bầu cử mới để thành lập chính phủ mới. Các cuộc biểu tình chống ông Netanyahu cũng lan rộng trên khắp các thành phố Israel.

Nếu Israel chấp nhận ngừng bắn theo nghị quyết 2728 ngày 25/3/2024 của Hội đồng Bảo an LHQ về ngừng bắn ở Dải Gaza, và trước đó là nghị quyết 1701 năm 2006 của HĐB về giải quyết cuộc chiến của Israel ở Lebanon chống lại Hezbollah thì tình hình chiến sự Trung Đông không lan rộng như ngày nay.

Iran, các phong trào kháng chiến của Palestine hay Hezbollah, Houthi, các tổ chức Hồi giáo khác ở Iraq hay Syria tấn công Israel là thể hiện sự đoàn kết với Hamas, buộc Israel chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Họ đưa điều kiện nếu Israel ngừng tấn công Gaza thì họ cũng sẽ ngừng hỗ trợ quân sự cho Hamas.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích  - Ảnh 2.

Gaza đã bị phá hủy tan nát trong cuộc chiến Hamas - Israel, nạn đói xảy ra khắp nơi và trẻ em không được đi học. Ảnh từ video của Al Jazeera.

* Đại sứ có nhận xét thế nào về vai trò của các nước lớn trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Gaza? 

- Không chỉ là vai trò của các nước lớn mà cả của Hội đồng Bảo an. Vai trò của các nước lớn, của HĐBA rất yếu ớt. HĐBA đưa ra nghị quyết, Israel không thực hiện nhưng HĐBA không có hành động gì gây sức ép để Israel thực hiện, mà nghị quyết của HĐBA là mang tính ràng buộc. Trong khi đó, các nước khác không thực hiện nghị quyết thì HĐBA áp đặt trừng phạt, gây ra các hành động quân sự.

Bên cạnh đó, các nước lớn rất chia rẽ. Đặc biệt là Mỹ, họ kêu gọi ngừng bắn, giải quyết xung đột một cách hòa bình nhưng thực tế họ ủng hộ Israel. Một năm qua Mỹ viện trợ cho Israel hàng chục tỷ USD, có nhiều con số khác nhau, nhưng theo như tôi biết, đến nay là 13,5 tỷ USD, trong đó phần lớn để mua vũ khí.

Mặt khác Mỹ đã đưa đến Trung Đông 2 tàu sân bay USS Gerald Ford và Dwight Eisenhower cùng nhiều tàu chiến khác. Mới đây họ đã triển khai thêm 2000 quân đến khu vực với mục đích được tuyên bố là để bảo vệ công dân Mỹ ở khu vực nhưng thực tế là bảo vệ Israel.

Trong việc Iran tấn công tên lửa vào Israel, Mỹ đã tuyên bố bảo vệ Israel và các thông tin cho biết Mỹ còn tham gia đánh chặn tên lửa Iran.

* Việc các nghị quyết của HĐBA không được thực thi, liệu có phải đây chính là tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế?

- Các nghị quyết 2728 và 1701 đề cập ở trên là những nghị quyết gần đây. Trước đây trong chiến tranh Arab – Israel năm 1967, năm 1973 có nghị quyết 242, 338 của HĐBA nhưng Israel không thực hiện, LHQ không có bất cứ hành động nào để bắt buộc Israel thực hiện.

Năm 2016 HĐBA cũng có biện pháp yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu định cư nhưng Israel cũng không thực hiện và HĐBA không có biện pháp gì. Đó chính là là tiêu chuẩn kép.

Mức độ trả đũa của Israel sẽ được cân nhắc

* Israel trước đây đã sát hại thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở ngay giữa Tehran nhưng tại sao Iran không trả đũa ngay? Vì sao việc Israel sát hại thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah lại như mồi lửa khiến Iran hành động?

- Sau khi ông Haniyeh bị ám sát, Iran tuyên bố họ sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp bằng các biện pháp thích hợp. Lúc đó Iran đã thể hiện sự kiềm chế, không muốn đối đầu căng thẳng với Israel.

Nhưng bây giờ, Israel tấn công ồ ạt Lebanon, giết hại lãnh đạo Hezbollah, tấn công các cơ sở quân sự, dân thường Lebanon, tềm năng quân sự Lebanon - đồng minh thân cận nhất của Iran, Iran không thể không hành động.

Nếu Iran không trả đũa, trong nước, các phần tử cứng rắn cho rằng Tổng thống mới không dám đối đầu trực diện, trong khi các tổ chức trục kháng chiến như Hezbollah, Hamas, Houthi cùng các tổ chức Hồi giáo ở Iraq, Yemen cho rằng Iran bỏ rơi họ.

Ngoài ra nếu Iran không hành động thì Israel cho rằng Iran không dám trả đũa, không dám đối đầu với Israel và điều đó làm cho Israel ngày càng tăng cường hoạt động quân sự chống lại phong trào kháng chiến Palestine và các lãnh đạo kháng chiến khác không chỉ của Palestine, thậm chí kể cả nhằm vào lãnh đạo Iran, mà như chúng ta đã biết, sau vụ ám sát ông Nasrallah, lãnh đạo Iran đã được đưa đến nơi an toàn.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích  - Ảnh 3.

Tên lửa của Iran bắn vào Israel. Ảnh: Al Jazeera.

* Sau các vụ tấn công tên lửa của Iran vào Israel, Đại sứ dự đoán khả năng Israel trả đũa Iran như thế nào? Nguy cơ chiến tranh toàn diện khu vực có nổ ra không?

- Ngay sau khi Iran bắn 200 tên lửa vào Israel hôm 1/10, ngay sau đó ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ. Nhiều nguồn tin cho rằng Israel sẽ nhằm cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự, thậm chí các cơ sở thuộc chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên Iran cũng tuyên bố cuộc tấn công vừa rồi coi như chấm dứt, nhưng nếu Israel đáp trả, thì Iran sẽ đáp trả khốc liệt hơn nhiều.

Iran có tiềm lực quân sự to lớn với hàng nghìn tên lửa siêu vượt thanh, tên lửa hành trình tầm bắn 3-4 nghìn km, hàng chục nghìn máy bay không người lái, và không loại trừ Iran đã chế tạo được vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015…

Trong tình hình vậy khi có bất kỳ hành động nào chống Iran, Israel phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Tháng 4/2024, để trả đũa cuộc tấn công tên lửa và UAV vào Israel, Israel chỉ đáp trả Iran có mức độ, bắn vài tên lửa và UAV vào Isfahan, không gây thiệt hại lớn.

Mặt khác Mỹ và các nước khác không muốn chiến tranh bùng nổ lan rộng. Vì thế không loại trừ hành động liều lĩnh của Israel nhưng khả năng Israel mở cuộc tấn công lớn vào Iran khó xảy ra, mức độ sẽ được cân nhắc.

* Liệu các nhóm trục kháng chiến có suy yếu hay không sau những gì đã xảy ra hay không, thưa Đại sứ?

- Sức mạnh quân sự vượt trội và chiến dịch quân sự của Israel đã làm suy yếu nhiều lực lượng của Hamas, Hezbollah, Houthi nhưng không tiêu diệt được họ. Chúng ta đã thấy lãnh đạo chủ chốt của họ bị giết hại thì ngay lập tức các phong trào này có lãnh đạo mới, quan điểm cứng rắn hơn lên thay, họ vẫn kiên quyết chống lại Israel, ở phía nam Lebanon các lực lượng Hezbollah dù thiệt hại họ vẫn quyết tâm chống lại chiến dịch quân sự của Israel ở đây.

Cần mau chóng quay lại đàm phán

* Theo Đại sứ, hiện giờ có những cơ hội nào và có thể làm gì để ngăn chặn lò lửa Trung Đông bùng nổ?

- Cuộc xung đột Trung Đông không thể giải quyết được bằng quân sự, mà chỉ có thể bằng các biện pháp ngoại giao, trước mắt là đưa Israel và Hamas trở lại bàn đàm phán, đạt được ngừng bắn, trao đổi người bị giam giữ - gồm cả tù nhân Palestine và con tin Israel.

Về lâu dài phải giải quyết xung đột Israel – Palestine trên cơ sở các nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế. Theo hướng này, giải pháp 2 nhà nước – thành lập nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền bên cạnh nhà nước Israel là giải pháp duy nhất đem lại hòa bình ổn định cho khu vực, đồng thời đảm bảo an ninh cho Israel.

* Xin quay trở lại câu hỏi về vai trò của các nước lớn, trong bối cảnh hiện nay họ có thể tham gia như thế nào để ngăn chặn xung đột Trung Đông?

-  Hiện nay rất khó vì có bất đồng sâu sắc giữa các nước lớn, đặc biệt các nước trong HĐBA, một bên là Mỹ, Anh, Pháp, bên kia là Nga, Trung Quốc. Bất cứ một nghị quyết nào của HĐBA thông qua rất khó.

Thứ hai, hiện nay các nước cũng ít quan tâm đến khu vực Trung Đông mà tập trung vào xung đột Nga - Ukraine, họ quan tâm đến đối đầu với Nga, đối đầu với Trung Quốc, nên cuộc xung đột Trung Đông ít được quan tâm. Nên tình hình sắp tới, theo tôi cuộc xung đột này vẫn còn kéo dài, dù đạt ngừng bắn nhưng xung đột Israel – Palestine vẫn còn kéo dài và rất khó khăn.

* Xin cảm ơn Đại sứ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem