Đại tá công an bảo: “Nếu chết thì sao?”

Hà Phạm Thứ hai, ngày 29/02/2016 06:30 AM (GMT+7)
Không đến giúp vì nhỡ chết thì sao? Nhỡ chết thì sao là một câu hỏi sinh tử. Tính mạng con người đâu phải chuyện đùa.
Bình luận 0

Tuần trước, một clip ngắn ghi lại cảnh một nam thanh niên nhảy hồ Hàm Nghi (phường Thanh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chết đuối trong sự chứng kiến của hàng chục nguời trên bờ,  khi phát trên mạng, đã gây xôn xao dư luận. Người ta cho rằng việc nhiều người đứng trên bờ như thế khi có người chết đuối dưới hồ là việc đáng xấu hổ, rằng nên lên án đám đông vô cảm.

Nhưng tất nhiên không phải thế, có hai thanh niên đã nhảy xuống nước để cứu và không cứu được. Nhảy xuống nước tức thời khi có người đuối nước rõ ràng không phải một phản xạ quen với nhiều người trong chúng ta, nhất là khi không phải ai cũng biết bơi. Ai cũng biết cứu người đuối nước là một việc cực kỳ nguy hiểm, cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm, nếu không rất dễ vong mạng.

Vậy, rất nên thông cảm với Đại tá trưởng CA quận Thanh Khê  trong vụ việc này. Khi được hỏi vì sao trong số rất nhiều nguời đứng trên bờ nhìn thanh niên kia chấp chới mặt nước có cả mấy chiến sĩ công an, mà không chiến sĩ nào nhảy xuống cứu, ông giải thích: Về quy trình cứu nạn,  đây là việc của cảnh sát phòng cháy chữa cháy! (Thì ra hỏa nạn và thủy nạn cùng là nhiệm vụ của riêng một lực lượng chức năng!).  Ông cũng nói rằng: "Nhưng tình huống này phải cứu ngay chứ không phải ngồi chờ lực lượng kia (cứu hỏa) đến.  Công an phường cũng đã đi tìm phao cứu hộ, thuyết phục nạn nhân. Mà không riêng gì lực lượng chức năng, những công dân chứng kiến đầu tiên cũng phải có trách nhiệm xuống cứu. Giờ cứ nói rằng công an phải xuống cứu, nếu một công an nhảy xuống rồi chết dưới đấy thì sao?".

img

Thanh niên vùng vẫy dưới hồ, hàng chục người đứng quan sát.      (ảnh từ clip)

Đấy, đúng quá! Cùng phân tích tình hình nhé:  Nếu một công an nhảy xuống, mà công an ấy không biết bơi, cùng chới với với nạn nhân, đã không cứu được, lại có thể bị nạn nhân kéo xuống, rồi chết dưới đấy thì sao? Chết một công an là thiệt hại lớn cho ngành, cho bản thân, cho gia đình công an. Nên rất cần thận trọng!

Rõ ràng các đồng chí công an đứng trên bờ hôm ấy đã  thận trọng. Theo khẳng định của đại tá, công an đã vận động được hai người giỏi bơi nhảy xuống hồ cứu người "như trong clip". (Tuy nhiên cả hai người này đều nói rằng việc nhảy xuống hồ cứu người không phải do công an vận động mà là tự nguyện. "Điều tôi lấy làm bức xúc là dù hai anh em tôi cố hết sức đưa nạn nhân lên bờ nhưng công an không đến giúp, chỉ ở phía trên bảo vệ hiện trường"- một trong hai người nói).

Không đến giúp, nhỡ chết thì sao, chuyện đó cũng chẳng nên thắc mắc quá. Chỉ nên dừng lại đấy thôi. Nhỡ chết thì sao là một câu hỏi sinh tử. Tính mạng con người đâu phải chuyện đùa.

Chỉ nên thắc mắc là tại sao, có người không nghĩ thế. Chuyện mới nhất là 3 du khách người Anh vừa tử nạn khi đi du lịch tại Đà Lạt. Ngày 27.2, Đại sứ Anh đã đến thẳng nơi những công dân nước mình gặp nạn. Ông đi thẳng từ sân bay Liên Khương đến thác Dalanta. Khi biết khoảng cách từ cổng thác Datanla đến nơi các du khách bị nạn dài khoảng 700m, Đại sứ nói: “Tôi muốn đi bộ đến nơi đó”. Và ông đã đi mà không sử dụng (dù được mời), tất cả phương tiện máng trượt, cáp treo, bởi chỉ bằng cách ấy,  Đại sứ mới biết rõ những người bị nạn đã trải qua một chặng đường thế nào...

Tất nhiên cũng có thể nói với ông rằng đừng làm thế, nhỡ chết thì sao, ông lại còn không phải là dân phượt như những du khách người Anh mới thiệt mạng.

Nhưng hẳn là gia đình những công dân ấy và rộng hơn thế, sẽ cảm kích lắm khi nhìn hành động của ông Đại sứ. Có những sự sẻ chia cần thiết đến nỗi người ta không phải đặt ra câu hỏi “Nhỡ chết thì sao?”

Tất nhiên, nghĩ thế, là tùy người !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem