Đại tá “khùng” mê làm trang trại

Chủ nhật, ngày 28/08/2011 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghỉ hưu với quân hàm đại tá, không chịu nghỉ ngơi, người cựu chiến binh ấy hăng hái làm kinh tế cho quê hương thêm giàu đẹp. Trang trại của ông được bà con yêu mến gọi là trang trại của “đại tá khùng”.
Bình luận 0

Vượt qua quãng đường dài, chúng tôi tìm về trang trại của đại tá quân đội Dương Ngọc Phao ở xóm 3, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vào một buổi trưa giữa tháng Tám khá oi nóng.

Không chịu an nhàn

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa cánh đồng trũng biệt lập với thôn xóm, với thái độ niềm nở của người sĩ quan quân đội, đại tá Phao bắt đầu lý giải cái sự "khùng" của mình. Năm 1971, học xong lớp 10, chàng trai trẻ Dương Ngọc Phao theo tiếng gọi của Tổ quốc hăm hở nhập ngũ rồi lên đường vào Nam chiến đấu.

img
Cựu chiến binh Dương Ngọc Phao trong trang trại.

Sau giải phóng miền Nam, ông được chuyển ra Bắc học Trường ĐH Nông nghiệp II ở Hòa Bình từ năm 1977-1982. Ra trường, Dương Ngọc Phao được điều về Phòng Hậu cần thuộc Quân đoàn I (Tam Điệp, Ninh Bình). Tại đây, ở nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, ông từng tham gia quai đê lấn biển ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Ninh Bình; cùng đơn vị hướng dẫn bà con nơi đây trồng cói, nuôi tôm, cá xuất khẩu...

Tháng 3.2008, đại tá Dương Ngọc Phao nghỉ hưu và trở về quê nhà. Với kinh nghiệm tích lũy trong những năm phục vụ quân đội, lại nhận thấy địa phương có một số diện tích đất trũng, hoang hóa không ai dám đầu tư sản xuất, ông đã mạnh dạn nhận thầu để đào ao nuôi trồng thủy sản.

"Khi triển khai mô hình này, ông bà, vợ con không ai đồng ý, anh em họ hàng lại cho là chuyện lạ vì họ cứ nghĩ tôi với quân hàm đại tá về hưu giờ chỉ an nhàn hưởng tuổi già chứ sức đâu mà còn lo làm kinh tế. Thấy tôi quyết tâm đào ao thả cá, họ cho là "khùng" - ông Phao kể.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn của gia đình, bạn bè, ông "đại tá khùng" vẫn quyết tâm dựng lều, lập trang trại giữa đồng không mông quạnh. Để đào được ao, ông mua một chiếc máy hút bùn. Một năm trời ròng rã, ông cùng mấy nhân công đã hình thành được 3,5ha trang trại, trong đó có 2,5ha mặt nước nuôi cá, còn lại là trồng lúa vùng ngoài. Tận dụng đất bờ xung quanh các ao, ông cho trồng hơn 1.000 gốc bạch đàn. Do đất tốt nên cây phát triển rất nhanh, mới hơn 3 tuổi nhưng giờ đã có thể lấy gỗ để dựng lán trại.

Đất không phụ người

Sau hơn 3 năm, đất trũng đã không phụ công người, ao cá của ông đã bắt đầu cho thu hoạch mỗi năm ước tính từ 8-10 tấn. Còn diện tích trồng lúa cũng đem lại cho ông 10 tấn/năm. Không chỉ vậy, ông Phao còn nuôi 1.000 con vịt đẻ, sau mỗi đêm ông cũng bỏ túi được 500.000-600.000 đồng tiền bán trứng vịt. Hàng năm, trừ tất cả chi phí, trang trại của ông cho lãi ròng 250-300 triệu đồng.

Không những làm giàu cho mình, đại tá “khùng” còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Điều ông phấn khởi nhất là trang trại đã hình thành và bắt đầu có hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Trong thời gian tới, cùng với việc đầu tư, mở rộng diện tích ao nuôi cá, ông Phao dự tính xây dựng một trang trạng nuôi lợn từ 300-500 con và một số đặc sản như cầy hương sinh sản, chim bồ câu, nhím...

Tuy bận rộn với trang trại và người bố đẻ luôn đau ốm nhưng những khi có đợt tập huấn khuyến nông ở xã, đại tá Phao luôn có mặt và hướng dẫn tận tình cho bà con kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi.

Với những nỗ lực ấy, đại tá Dương Ngọc Phao đã được UBND huyện Diễn Châu trao tặng giấy khen vì "Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Diễn Châu giai đoạn 2006- 2010" cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác của địa phương.

Khi hỏi vì sao ông lại từ bỏ cảnh nhàn hạ chơi cây cảnh, chim chóc ở căn hộ 2 tầng trong xóm mà lại ra đây làm lụng chi cho mệt, ông cười xòa: "Còn sức khỏe, tôi còn lao động. Việc thì vất vả thật đấy nhưng ra đây, tôi mới thấy là chính mình. Bỏ mồ hôi, công sức mà có được như thế này cũng thấy sướng lắm chứ!".

Hiểu được nỗi vất vả của chồng, vợ ông- cô hiệu trưởng trường THCS, ngoài thời gian ở trường và việc nhà vẫn tranh thủ ra đồng cùng ông chăm sóc trang trại. Cả 3 cô con gái của ông đều học giỏi. Cô con gái đầu đã ra trường và có công việc ổn định, trong khi 2 cô còn lại đang học đại học ở Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem