Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi chống bão

Thứ bảy, ngày 28/12/2013 19:38 PM (GMT+7)
Tôi có nhiều kỷ niệm với Đại tướng, trong đó có một kỷ niệm sâu sắc và cảm động về lần đi chống bão mà tôi không bao giờ quên.
Bình luận 0
Bám đồng với nông dân

Giai đoạn 1961 - 1965, tình hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác hóa đang gặp nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều vấn đề lớn cần giải quyết. Bộ Chính trị cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi đó đang giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam,?Phó Bí thư Quân ủy T.Ư sang phụ trách Ban Nông nghiệp. Trên mặt trận mới, với tác phong sâu sát và cụ thể, Đại tướng đã đi thực tế hầu hết các tỉnh từ miền núi đến miền xuôi và đồng bằng ven biển để nắm tình hình.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Theo lời Bác căn dặn, Đại tướng đã vào thăm HTX Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) do anh Trạo làm Chủ nhiệm để tìm hiểu cặn kẽ. Lúc đó, HTX đang là điển hình về phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp. Đại tướng đã lội xuống đồng cùng bà con cấy lúa. Ông đi sâu nghiên cứu phát triển sản xuất, phá vỡ cơ chế “xiềng 3 sào”, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất. Từ các mô hình này, Đại tướng đã nhân lên thành phong trào thi đua sôi nổi khắp miền Bắc. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, điển hình là Anh hùng nông nghiệp Trịnh Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Tháng 6.1963, cơn bão số 3 hoành hành dữ dội suốt mấy tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa vào tới Quảng Bình. Đại tướng quyết định đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão gây ra.

Đúng 5 giờ, tôi có mặt tại nhà riêng của Đại tướng ở 34 Lý Nam Đế. Chiếc xe com - măng - ca của Tổng cục Chính trị cùng mấy cán bộ đã chờ sẵn. Tôi vào nhà gặp chị Cúc, phu nhân của Đại tướng. Chị ân cần hỏi “Chú Vy ăn sáng chưa? Mọi người ăn cả rồi. Chú cầm gói xôi này lên xe mà ăn”. Rồi chị đưa cho tôi lọ dầu Phật Linh và dặn: “Trời hôm nay lạnh, chú nhớ nhắc anh xoa dầu giữ ấm cổ và ngực nhé!” Tôi cảm động trước những lời nói và cử chỉ ân cần, chu đáo của chị.

Đại tướng bước ra hỏi: “Ta lên đường được chưa chú Ca?” Anh Ca (Bí thư của Đại tướng) đáp: “Mời Đại tướng lên xe ạ!”. Chiếc Von-ga đen từ từ lăn bánh. Tôi nhìn đồng hồ, mới 5 giờ 15 phút. Chiếc xe chạy dọc đường Nam Bộ rồi theo Quốc lộ 1A hướng vào phía Nam.

Quyết đoán, ân tình trong chống bão

Vào đến thị trấn Tam Điệp, Ninh Bình đã thấy rõ hậu quả của bão. Cây cối đổ ngổn ngang, những cánh đồng lúa hai bên đường ngã rạp. Khi đi qua thị trấn Hậu Hiền nằm dọc theo sông Mã, ngồi trong xe Đại tướng trông thấy một người đang lội dưới ruộng, vuốt từng khóm lúa bị đổ rạp, ông nói: “Ai trông như chú Bái”. Ông ra khỏi xe, vẫy tay gọi to: “Chú Bái, chú Bái, lên đây”. Người dưới đồng ngẩng lên ngơ ngác, khi nhìn thấy xe Đại tướng vội chạy lên chào. Đại tướng hỏi: “Có thiệt hại lắm không?”. Trịnh Xuân Bái ngậm ngùi: “Lúa đổ hết cả rồi thưa Đại tướng! Chắc lại mất mùa thôi ạ!” Đại tướng thở dài, kéo anh Bái lên xe, chạy về huyện.

Trước khi Đại tướng chuyển sang phụ trách Ban Nông nghiệp T.Ư, Bác Hồ căn dặn: “Phong trào nông dân mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. Đại tướng đã vui vẻ nhận nhiệm vụ mới...

Xe qua cổng Huyện ủy, thấy mấy người đang thui chó, Đại tướng lắc đầu rồi đi thẳng vào bên trong. Tại văn phòng, một số cán bộ đang túm tụm đánh bài. Thấy Đại tướng xuất hiện bất ngờ, họ sửng sốt không nói lên lời. Đại tướng nghiêm giọng: “Các chú có biết chú Bái đang làm gì không? Dông bão thế này mà các chú làm gì ở đây? Các chú hãy đi theo chú Bái coi tình hình thiệt hại thế nào, chiều mai cùng chú Bái về tỉnh cho tôi biết!”. Nói xong ông vội vã quay ra.

Xe tiếp tục chạy vào địa phận tỉnh Nghệ An. Huyện Diễn Châu bị thiệt hại nhiều. Thiệt hại nặng nhất là mấy xã ven biển như Diễn Thịnh, Diễn Bích... phi lao bật gốc từng dãy, từng dãy. Nhiều nhà tốc mái, nhà đổ sập... Đại tướng chứng kiến cảnh ấy với ánh mắt lo lắng, xót xa. Đại tướng hỏi một lão nông: “Thưa cụ! Gia đình ta có bị thiệt hại nhiều không?”. Cụ già đáp: “Dạ, có bị thiệt hại nặng nhưng được Trung ương về tận nơi thăm hỏi như thế này là chúng tôi sung sướng lắm rồi!”. Một lực lượng khá đông bộ đội, dân quân đang hối hả giúp dân dọn dẹp. Đại tướng gật đầu hài lòng...

Hôm sau, xe ra Thanh Hóa, suốt một ngày Đại tướng xuống mấy huyện để kiểm tra. Đến tối, Đại tướng họp với Tỉnh ủy, ủy ban, nghe báo cáo chung về thiệt hại sau bão của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đại tướng phê bình những cán bộ thiếu trách nhiệm và nhắc nhở các cấp lãnh đạo phải quan tâm sâu sát hơn nữa tới đời sống của nông dân, giúp bà con khắc phục nhanh nhất những thiệt hại do cơn bão gây ra, đưa sản xuất nông nghiệp vào nề nếp. Tại một nhà dân ở ngã ba Diễn Châu, Đại tướng họp với Tỉnh ủy, ủy ban và đại diện các xã, hợp tác xã, chỉ đạo tỉnh và huyện phải lo giúp đỡ kịp thời cho những gia đình gặp khó khăn vì bão, sau đó báo cáo trực tiếp lên Đại tướng.

7 giờ tối hôm sau, xe qua phà Hàm Rồng không gặp trở ngại gì và đến 9 giờ khuya thì về tới Hà Nội. Tôi mừng vì chuyến đi của Đại tướng suôn sẻ. Sau chuyến đi, tôi càng nhận thấy rõ tác phong làm việc gần gũi, gắn bó với nông dân của ông.

Tôi cảm động thật sự trước sự thanh cao, giản dị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh người mà tôi vẫn hằng kính mến và khâm phục!
Đào Bá Vy - Bác sĩ riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ( Đào Bá Vy - Bác sĩ riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem