Càng rẻ càng khó bán
Những ngày qua, giá bí đỏ tại xã Cư Yang rớt xuống một cách thê thảm, chỉ còn từ 500-800 đồng/kg. Thế nhưng nếu ở thời điểm đầu vụ, khi giá bí ở mức hơn 1.000 đồng/kg, thương lái còn đến mua thì hiện nay, hầu như không có thương lái nào đá động đến những đống bí của bà con. Tình trạng này đang khiến hàng chục nông dân như đứng trên đống lửa khi hàng trăm tấn bí đứng trước nguy cơ phải đổ bỏ cho lợn ăn.
Do không có người mua, người dân để bí hư thối dưới rộng (Duy Hậu)
Ông Võ Tá Đệ, thôn 5, xã Cư Yang cho biết, gia đình hiện vẫn còn hàng chục tấn bí chưa bán được. Nhiều nông dân tại thôn vì thấy tiền công thu hái nhiều hơn số tiền bán bí nên bỏ mặc ruộng bí hư thối ngoài đồng.
Còn anh Đào Sỹ Huy (cùng thôn) thì cho biết, năm nay gia đình anh trồng khoảng 2.000 gốc bí, thu về hơn 20 tấn. Nếu với mức giá của năm ngoái, số bí của anh bán được khoảng 140 triệu đồng. Nhưng với giá như hiện tại số bí của anh chỉ bán được khoảng hơn 10 triệu đồng.
Ông Võ Tá Đệ cho biết gia đình còn hàng chục tấn bí chưa bán được (Duy Hậu)
So với tiền đầu tư, công thu hái, chuyên chở, vụ bí này anh Huy lỗ khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi thu "chạy lũ", hơn 20 tấn bí của anh Huy chất đầy hè mà chẳng có thương lái nào đến hỏi mua. "Giá càng rẻ họ càng chê ỏng chê eo, lớn quá cũng không mua nhỏ quá cũng loại ra, quả xanh chút họ cũng vứt".
Ngồi trước đống bí đang thối dần từng ngày, ông Phan Song Hòa (thôn 4) than thở: "Cứ để đây ai mua được chút nào bán chút đó thôi. Cái nào họ không mua thì bán rẻ cho mấy gia đình nuôi heo đem về chặt cho heo ăn. Vớt vát được chút nào hay chút ấy chứ lỗ chết chú ơi".
Không bán được, người dân đem bí ra đường "mồi chài" thương lái (Duy Hậu)
Trên con đường đi vào xã Cư Yang, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm tấn bí của nông dân chất khắp dọc đường để "mồi chài" thương lái. Thế nhưng nhiều giờ trôi qua, khi chúng tôi quay lại các đống bí ấy vẫn còn nguyên vẹn, chẳng có ai mua.
Ông Phạm Xuân Hùng, Phó chủ tịch xã Cư Yang, cho biết, do những ngày qua trời mưa lớn nên nông dân buộc phải thu bí về nhà. Nhưng khi bí đã thu về nhà thì thương lái càng ép giá. "Bí của bà con ở đây có thể nói là bí sạch hoàn toàn, chất lượng rất tốt. Thế nhưng khi giá càng xuống thấp, thương lái tìm đủ mọi cách để ép nông dân. Họ chỉ mua những quả từ 3-4kg, lớn hoặc nhỏ hơn đều loại ra. Chưa kể những quả chỉ "sứt mẻ" đôi chút họ cũng không lấy. Việc này khiến nông dân không chỉ mất giá mà còn phải mất thêm từ 30-40% sản lượng".
Mặc dù giá rớt thê thảm nhưng thương lái vẫn không thèm ngó ngàng (Duy Hậu)
Xã vào cuộc "giải cứu" cho dân.
Trước tình trạng hàng trăm tấn bí của dân bị ế ẩm, cách đây hơn 10 ngày UBND xã Cư Yang đã phát đi một công văn về việc "giải cứu" bí cho dân. Công văn gửi đến nhiều doanh nghiệp, cơ quan với nội dung tha thiết kêu gọi các đơn vị mua giúp bí cho nông dân. Ngoài ra, trong công văn này UBND xã Cư Yang cũng mong muốn các doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồngtiêu thụ nông sản, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Anh Đào Sĩ Huy cho biết, nếu giá năm trước đống bí này bán được 140 triệu nhưng với giá hiện nay thì chỉ bán được hơn 10 triệu (Duy Hậu)
Theo ông Phạm Xuân Hùng, hàng năm xã Cư Yang trồng khoảng hơn 150 ha bí đỏ, năng suất bình quân hơn 3.000 tấn. Với giá bán trung bình các năm, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha bí nông dân có lãi khoảng gần 100 triệu đồng. Đây cũng là một trong những nguồn thu chính của nông dân. Hiện nay, do giá thấp lại ế ẩm nên nông dân bị thua lỗ rất nặng nề, khiến rất nhiều nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn
|
Sáng 30.5, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hùng, phó chủ tịch xã cũng liên tục gọi điện cho các doanh nghiệp nhờ giúp đỡ nhưng vẫn không có phản hồi. Theo ông Hùng, tính đến chiều 29.5, số bí còn tồn đọng của xã lên đến hơn 450 tấn. Ngoài số bí đã thu hoạch về nhà, số bí còn ngoài đồng đứng trước nguy cơ hư thối vì ngập nước.
Cũng theo ông Hùng, nhiều ngày qua, một số con em các gia đình tại xã Cư Yang đang sinh sống tại Sài Gòn đã cố gắng tìm đầu ra để bán bí cho bà con nhưng hiệu quả không đáng kể. "Cư Yang là một xã nghèo, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thế nên, chúng tôi đang hết sức lo lắng trước tình trạng nông sản của bà con bị ế ẩm như hiện nay. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp, đơn vị...ủng hộ mua giúp bí cho bà con"- ông Hùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.