Đắk Lắk: Đi giao bài gặp phụ huynh không biết tiếng Kinh, giáo viên làm thế nào mà không cần phiên dịch?
Đắk Lắk: Đi giao bài gặp phụ huynh không biết tiếng Kinh, giáo viên làm thế nào mà không cần phiên dịch?
Phương Hằng
Thứ bảy, ngày 11/09/2021 13:05 PM (GMT+7)
Gần 100% học sinh tiểu học ở thôn Giang Đông, xã Ea Dăh (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) không có điện thoại thông minh để học online. Nhưng khi các thầy cô giáo vượt hơn 20km đường lầy lội đến từng nhà giao bài, nhờ phụ huynh hỗ trợ các em học tập thì lại gặp tình huống "khó đỡ": phụ huynh không biết tiếng Kinh.
Cô giáo Trường Tiểu học Ea Dăh trong buổi đến nhà động viên, hướng dẫn học sinh tại thôn Giang Đông chuẩn bị năm học mới. Video: P.H
Nằm cách trung tâm xã Ea Dăh khoảng 20km, thôn Giang Đông có 847 nhân khẩu, trong đó người dân tộc H’Mông chiếm đến 95%. Đầu năm 2021, toàn thôn mới được kéo điện nên người dân chưa tiếp cận nhiều với internet. Vì vậy gần 100% học sinh tiểu học tại đây không thể học trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Nam Giang – Hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Dăh cho biết: "Chúng tôi phải tính hết các phương án để tất cả học sinh không bị gián đoạn chương trình học, với các em như ở thôn Giang Đông thì chỉ còn cách đến tận nhà giao bài tập".
Theo đó, thầy cô giáo 3 ngày 1 lần sẽ đến nhà phát bài tập và kiểm tra kết quả. Trong quá trình đó cũng sẽ hướng dẫn các em làm bài, dành thời gian nhiều hơn cho các em học sinh yếu.
Cũng theo cô Nam Giang, để tránh việc học tại nhà của các học sinh trở nên bị động, phụ huynh cần quan tâm kèm cặp, nhắc nhở, chỉ bài thêm cho các em. Tuy nhiên đa số những người lớn tại thôn Giang Đông lại không rành tiếng phổ thông nên đây là vấn đề rất khó.
Như trường hợp em Vừ Thị Hoa (học sinh lớp 3), bố mẹ đi làm ăn xa vì dịch Covid-19 không về được, ông bà của Hoa không biết tiếng Kinh, khi giáo viên đến nhà đều phải nhờ Hoa làm phiên dịch.
"Trước tình hình trên, chúng tôi đã nhờ vả bí thư, trưởng thôn và cán bộ các đoàn thể của thôn thường xuyên đến nhà nhắc nhở các phụ huynh lưu ý việc học tập của con em mình. Qua đó các phụ huynh sẽ nhắc nhở, đôn đốc các em tự học ở nhà.
Tuỳ theo khả năng và điều kiện của mỗi cán bộ thôn, nhà trường sẽ nhờ thêm một số việc khác khi không có giáo viên nhằm giúp đỡ các em học sinh trong thôn tự học ở nhà", cô Nam Giang cho biết.
Về phía giáo viên, từ khi có thông báo tổ chức dạy học online (học sinh không có điều kiện học online thì đến tận nhà giao bài), cung đường đi lại của các thầy cô giáo Trường tiểu học Ea Dăh cũng xa hơn, khó khăn hơn. Riêng thôn Giang Đông các thầy cô phải đi hơn 20 cây số từ trung tâm xã, đường lầy lội trơn trượt.
Đặc biệt, Trường tiểu học Ea Dăh chỉ có 6 giáo viên là người tại xã, còn lại các thầy cô đều ở những xã khác, huyện khác nên càng vất vả hơn trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.