Nhiều ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để khắc phục những thiệt hại trên.
Nhiều nương rẫy mất mùa Ông Nguyễn Bá Bân - Phó phòng NNPTNT huyện Ea Súp cho biết, thống kê sơ bộ có gần 60ha bắp không cho hạt hoặc tỷ lệ hạt đạt thấp, thậm chí không có hạt. Nhiều ruộng bắp mất trắng đến 80%. Cũng theo ông Bân, diện tích nói trên chưa phải là con số cuối cùng bởi chỉ mới thống kê được ở 2 xã Cư Mlan và Ea Lê.
Trong khi các giống bắp khác vẫn cho năng suất ổn định thì nhiều diện tích trồng các giống bắp 30B80 và NK67 lại rất kém năng suất.
Tại Cư Mlan, ông Phạm Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, có hơn 20ha bắp tại thôn 7 cho năng suất rất thấp. Toàn bộ diện tích này được trồng giống bắp lai đơn 30B80 của Công ty Thái Lan (giống do Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam phân phối). So với các giống bắp khác, 30B80 có giá đắt hơn. Trên thực tế khi trồng, giống bắp này phát triển rất tốt nhưng khi thu hoạch thì được rất ít bắp.
Còn tại xã Ea Lê, thống kê của Phòng NNPTNT huyện Ea Súp cho thấy, có hơn 30ha bắp kém năng suất. Toàn bộ diện tích này được trồng giống bắp lai NK67 của Syngenta (do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phân phối). Theo bà Nguyễn Thị Đào - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Lê, trong buổi khảo sát ngày 29.8 của cơ quan chức năng và đơn vị phân phối giống, nguyên nhân khiến bắp kém năng suất là do một số diện tích trồng chưa đúng kỹ thuật, số khác bị sâu bệnh. Song nhiều nông dân vẫn thắc mắc, bởi nhiều hộ khác trên địa bàn cũng trồng như thế nhưng lại không bị mất mùa (?).
Sẽ tìm cách khắc phụcÔng Phạm Văn Dân cho hay đa phần người dân trồng bắp đều không có lúa, vì thế tình trạng mất mùa này chắc chắn sẽ khiến người dân gặp không ít khó khăn. Ông Lê Quang Cảnh, thôn 7 xã Cư Mlan, trồng đến 4ha bắp giống 30B80. Mọi năm, với diện tích này ông thu về hơn 30 tấn bắp, nhưng năm nay chỉ thu được khoảng 6 tấn. “Bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư giờ thu toàn cùi thế này thì đói chắc”- ông Cảnh than thở.
Bà Bùi Thị Hiền cùng thôn cũng phản ánh: “Nếu trước đây tôi thu được gần 40 tấn bắp thì giờ chỉ được 1/4¼. Thấy người ta quảng bá đây là giống bắp năng suất cao nên tôi trồng luôn đến 4,5ha. Đầu tư hơn 80 triệu đồng vào đấy giờ chỉ thu về chừng 30 triệu đồng”. Bà Hiền cũng khẳng định, gia đình bà chủ yếu canh tác cây bắp nên không thể nói không biết kỹ thuật trồng. Hơn nữa, đa phần các ruộng bắp kém năng suất đều phát triển tốt, không có biểu hiện sâu bệnh nên nói người dân không biết chăm sóc là không có cơ sở.
Theo ông Dân thì dù lý do gì đi nữa những hộ dân mất mùa cũng rất cần được hỗ trợ. Bởi đa phần các hộ dân này đều không có lúa nước, đời sống có thể nói là rất khó khăn. Về phía Phòng NNPTNT, ông Bân cho biết, huyện đang cùng phía các công ty phân phối giống tiến hành rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Dự kiến trong tháng 9, sau khi có kết quả kiểm tra, huyện sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra phương án xử lý cụ thể. Và dù có lý do gì thì những hộ dân mất mùa cũng sẽ được xem xét hỗ trợ.
Vì sao ngô không ra hạt? Theo một số chuyên gia nông nghiệp, hiện tượng ngô không ra hạt chủ yếu do các yếu tố sau đây: Trước khi bắp trổ cờ phun râu 2 tuần và trong suốt thời gian trổ cờ nếu gặp nhiệt độ không khí trên 35oC, hoặc ẩm độ không khí dưới 50% hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên thì sẽ gây ra chết hạt phấn, ngô không tung phấn và quá trình thụ phấn không xảy ra.
Do điều kiện đất đai quá chua, quá phèn hoặc mặn kết hợp với chế độ bón phân không hợp lý cũng sẽ dễ dàng dẫn đến hiện tượng bắp không hạt. Dinh dưỡng giữ vai trò chủ lực trong sự thụ phấn, kết hạt, trong đó phân lân giữ vai trò quan trọng. Đất chua phèn, xám bạc màu, đất triền dốc... đều thiếu lân trầm trọng. Cây ngô thiếu lân lá xuất hiện sọc tím, thân lá chuyển sang đỏ, cây nhỏ, rễ phát triển kém, dẫn đến bắp nhỏ, đầu bắp không hạt, hạt nhỏ, năng suất kém. Nhiều ruộng đất bạc màu, lâu ngày không bón phân hữu cơ hoặc đất lấy từ đào ao nuôi cá (rất nghèo dinh dưỡng), cây ngô phát triển yếu kém, còi cọc, bắp nhỏ và không kết hạt.
- Ngập nước trong giai đoạn trổ cờ phun râu làm cho phun râu và tung phấn lệch nhau.
- Do sâu bệnh gây hại: Rệp cờ là đối tượng thường làm cho phấn không tung được và ngô kết hạt kém
Nguyên nhân về thời tiết chiếm 90% các trường hợp gây ra ngô không hạt. Tuy nhiên các giống khác nhau thì phản ứng khác nhau với môi trường. Thời kỳ mẫn cảm nhất của cây ngô với ngoại cảnh là thời kỳ tung phấn phun râu, và các giống khác nhau có giai đoạn mẫn cảm với môi trường cũng khác nhau nên khi thể hiện ra triệu chứng cũng khác nhau.
Hải Hà (ghi)
|
Duy Hậu (Duy Hậu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.